Một số vấn đề về thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự
Chế định thời hạn, thời hiệu là một trong chế định quan trọng trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Nhận thức đúng và áp dụng nghiêm chỉnh, thống nhất về thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.
Trong quá trình nhận đơn khởi kiện và thụ lý, giải quyết các vụ, việc dân sự liên quan nhiều đến việc xác định thời hạn như: thời hạn giải quyết đơn, giao nộp chứng cứ, thời hạn giao, thông báo, cấp các văn bản tố tụng, thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn kháng cáo, kháng nghị…Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết các vụ việc cũng cần xác định vụ việc đó có còn thời hiệu hay không để đưa ra phán quyết phù hợp. Pháp luật tố tụng dân sự quy định về thời hạn tố tụng, thời hiệu và việc áp dụng quy định của Bộ luật dân sự về thời hạn, thời hiệu. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn áp dụng cách tính thời hiệu còn có cách hiểu chưa thống nhất, nhận thức chưa đúng với quy định của pháp luật. Đặc biệt Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự vừa được Quốc hội thông qua ngày 24/12/2015 có quy định mới so với Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Do đó, vấn đề nhận thức đúng, áp dụng pháp luật thống nhất, cần nắm rõ các quy định về thời hạn, cách tính thời hạn (trong đó lưu ý căn cứ tính thời hạn, thời điểm tính thời hạn, cách xác định thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc) là cần thiết.
1. Về thời hạn
1.1. Khái niệm:
Thời hạn nói chung là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật tố tụng dân sự quy định.
Thời hạn tố tụng có thể được xác định bằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra. Trong những trường hợp cụ thể (do Bộ luật dân sự quy định hoặc do luật chuyên ngành quy định không trái với nguyên tắc áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015) có quy định chi tiết về thời gian xác định thời hạn theo giờ, ngày, tháng, năm tương ứng với từng loại quan hệ pháp luật, đòi hỏi yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ trong tố tụng dân sự phải chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
1.2. Phân loại
Trong các giao dịch dân sự đặc biệt là các hợp đồng thông thường đều có điều khoản về thời hạn như thời hạn giao nhận hàng, thời hạn thanh toán, thời hạn phát sinh quyền khởi kiện…Pháp luật dân sự thừa nhân sự thỏa thuận của các bên đương sự, qui định rõ thêm từng loại thỏa thuận về thời gian (theo giờ, tháng, năm, theo mùa ..) để các bên tự nguyện thực hiện hoặc khi có tranh chấp có căn cứ xử lý để xác định thời hiệu xem xét có vi phạm về quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận không. Trường hợp có tranh chấp xảy ra yêu cầu Tòa án giải quyết thì thời hạn thực hiện xem xét giải quyết phải thực hiện theo thời hạn tố tụng nghĩa là phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Như vậy, thời hạn được chia làm hai loại: Thời hạn do các bên thỏa thuận với nhau, hoặc do pháp luật quy định.
1.3 Cách tính thời hạn
Việc áp dụng thời hạn, cách tính thời hạn trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự đã được pháp luật qui định, tuy nhiên vẫn còn có cách hiểu chưa thống nhất của người tiến hành tố tụng, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến áp dụng pháp luật không nghiêm minh, không thống nhất, vi phạm về thời hạn tố tụng.
Về nguyên tắc, pháp luật tố tụng dân sự chỉ quy định chung về thời hạn, còn cách tính thời hạn tố tụng, quy định về thời hạn tố tụng, thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn tố tụng trong Bộ luật tố tụng dân sự được áp dụng theo các quy định tương ứng của Bộ luật dân sự.
Như vậy, khi xem xét về thời hạn, cách tính thời hạn trong tố tụng dân sự cần xem xét đến nguyên tắc áp dụng cách tính thời hạn, thời điểm tính thời hạn, thời điểm bắt đầu thời hạn, thời điểm kết thúc thời hạn tuân thủ quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Thời hạn được tính theo dương lịch, tùy từng trường hợp có thỏa thuận khác.
Trước hết, về căn cứ xác lập thời hạn do các bên thỏa thuận, hay do pháp luật tố tụng quy định về khoảng thời gian xác định thì cần nắm được:
Trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật tố tụng quy định về thời hạn một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau: Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày, Nửa năm là sáu tháng; Một tháng là ba mươi ngày; Một tuần là bảy ngày; Một ngày là hai mươi tư giờ; Một giờ là sáu mươi phút; Một phút là sáu mươi giây; trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng cuối tháng….
Trường hợp, pháp luật tố tụng quy định là ngày “làm việc” thì xác định thời hạn tố tụng chỉ tính ngày làm việc, không tính liên tục, mà phải trừ ngày nghỉ, ngày lễ; các quy định thời hạn theo giờ, tháng, năm thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự theo nguyên tắc đảm bảo đủ thời gian theo từng loại thời hạn, chẳng hạn: 01 ngày thì phải đảm bảo đủ 24 giờ, nếu không đủ 24 giờ thì không tính ngày đó để xác định thời hạn là 01 ngày,…
Thời hạn là một khoảng thời gian, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn đối với từng loại thời hạn có sự khác nhau, cụ thể có 3 trường hợp sau:
1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
Ví dụ: Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu qủa nghiêm trọng có thể xảy ra nên vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 5/03/2016 nguyên đơn nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cho thu hoạch, cho bán hoa màu” thì trong thời hạn 48 giờ6 kể từ thời điểm nhận đơn, tức là muộn nhất là 16 giờ 30 phút ngày 7/03/2016 (Thứ 7), Tòa án phải xem xét đưa ra phán quyết: ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo bằng văn bản không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp không cấp tạm thời.
2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm, thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định7. Ngày đầu tiên của thời hạn được gọi là ngày “được xác định” hay gọi theo cách khác là điểm “mốc” thời gian để xác định thời hạn. Thời điểm kết thúc thời hạn là thời điểm kết thúc của ngày cuối cùng của thời hạn (24 giờ). Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ (nghỉ cuối tuần, ngày lễ), thì thời hạn kết thúc vào 24 giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo của ngày nghỉ đó.
Ví dụ 1: Ngày 5/03/2016 , Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý vụ án, thì trong thời hạn 3 ngày làm việc phải thông báo bằng văn bản cho đương sự và cho Viện kiểm sát cùng cấp “Thông báo về việc thụ lý vụ án”. Đây là trường hợp thời hạn tính bằng ngày nên thời hạn 3 ngày làm việc được tính bắt đầu từ ngày tiếp theo của ngày được xác định (5/03/2016 ), tức là kể từ ngày 6/03/2016(trừ thứ 7, Chủ nhật), ngày kết thúc thời hạn là thời điểm kết thúc của ngày 10/03/2016. Nếu sang ngày 11/03/2016, Tòa án mới gửi Thông báo về việc thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp là vi phạm thời hạn tố tụng.
Ví dụ 2: Ngày 11/03/2016, Tòa án có thẩm quyền đang giải quyết vụ án dân sự tổ chức phiên hòa giải, tại phiên hòa giải cùng ngày, các đương sự đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án đã lập biên bản biên bản hòa giải thành, biên bản kết thúc vào hồi 11 giờ ngày 11/03/2016. Giả sử các đương sự đều không có ý kiến gì về sự thỏa thuận đó, thì xác định ngày nào là ngày Tòa án ra quyết định công nhân sự thỏa thuận của các đương sự (ngày 18/12; ngày 19/12 hay ngày 21/12/2016?)
Tại khoản 1 Điều 212 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Hết bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến vê sự thảo thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Nếu hiểu theo ý nghĩa câu chữ thông thường thì thời hạn 7 ngày ở đây được tính cả ngày lập biên bản, nghĩa là kết thúc ngày 17/03/2016 là hết thời hạn để đương sự thực hiện quyền thay đổi ý kiến, sang ngày 18/03/2016, Thẩm phán có quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Tuy nhiên, cách tính thời hạn tố tụng xác định theo ngày phải thực hiện theo đúng quy định tại về xác định thời điểm bắt đầu thời hạn, kết thức thời hạn(xem khoản 2 Điều 147, khoản 1 Điều 148 Bộ luật dân sự 2015). Ngày lập biên bản (11/03/2016) là “ngày được xác định” (ngày làm “mốc” thời gian để tính thời hạn) không được tính, thời điểm bắt đầu tính thời hạn là ngày 12/03 nên thời điểm kết thúc thời hạn 7 ngày là thời điểm kết thúc của ngày 18/03/2016. Vì vậy, bước sang ngày 19/03/2016, thẩm phán mới có quyền ra quyết định công nhận sự của các đương sự. Trường hợp ngày thứ 7 (ngày nghỉ cuối tuần) cơ quan không tổ chức làm thêm giờ thì ngày 21/103/2016, thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là đúng pháp luật, không vi phạm thời hạn tố tụng.
Cách tính thời hạn để thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị cũng được tính tương tự. Ví dụ: ngày tuyên án là ngày được xác định, ngày bắt đầu tính thời hạn là ngày đầu tiên kế tiếp liền kề ngày tuyên án . Ngày kết thúc thời hạn trùng vào ngày nghỉ, lễ, tết, thì ngày kết thúc chuyển sang ngày làm việc đầu tiên tiếp theo liền kề.
3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà ngày tiếp theo “liền kề” ngày xảy ra sự kiện đó.
Ví dụ: Ngày 20/03/2016, A điều khiển xe môt tô xảy ra va chạm với B đang đi bộ ở lề đường, dẫn đến hậu quả bị thương tích (không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự). Giả sử A và B không tự giải quyết với nhau về bồi thường thiệt hại thì B có quyền khởi kiện vụ án dân sự đến Tòa án trong thời hạn 2 năm (hoặc 03 năm theo quy định tại Điều 558 Bộ luật dân sự năm 2015) kể từ ngày sức khỏe bị xâm phạm. Sự kiện pháp lý xảy ra ngày 20/03/2016 không được tính xác định thời hạn. Thời điểm bắt đầu xác định thời hạn thực hiện quyền khởi kiện tính từ ngày 21/03/2016, tính đến hết ngày 21/03/2016, B có quyền khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật.
2. Về thời hiệu
2.1 Khái niệm:
Thời hiệu nói chung có thể được hiểu là căn cứ để xác lập hoặc xóa bỏ một quyền, bằng cách để cho một khoảng thời gian hay nói cách khác thời hiệu là khoảng thời gian để thực hiện quyền hoặc được miễn trừ nghĩa vụ.
Về mặt pháp lý, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Theo Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điểu kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
2.2 Phân loại:
Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, việc phân lại thời hiệu theo nội dung yêu cầu (sự việc có tranh chấp hay không), thì có 2 loại thời hiệu: thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được; Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc, người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Nhưng theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 có 4 loại thời hiệu: thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự; thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ; thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện; thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.
2.3 Cách xác định thời hiệu
Để xác định thời hiệu thì phải xác định được thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc cũng như thời điểm được xác định. Việc tính thời hiệu phải tuân thủ cách tính thời hạn. Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và ngày chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp thời hiệu chỉ có thời điểm bắt đầu mà không quy định thời điểm kết thúc như: Thời hiệu đòi lại tài sản là nhà đất không xác định ngày kết thúc thời hiệu.
Thời điểm được xác định (hay hiểu cách khác là “điểm mốc”) thông thường là ngày có sự kiện pháp lý xảy ra (vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngày xảy ra tai nạn, người để lại di sản chết…)
Ví dụ: A là thủy thủ tàu Vinaline, ngày 20/4/2015. A lên tàu vận chuyển hàng tại cảng Hải Phòng. Đến ngày 21/6/2015 lên đừơng đi Hàn Quốc giao hàng thì tàu bị chìm tại vùng biển của Hàn Quốc, A bị mất tích. Sau thời gian tìm kiếm nhưng không có kết quả, không có tin tức xác thực là A còn sống.
Ngày 04/7/2016, chị B (là vợ A) đã làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố A là đã chết. Trường hợp này xác định thời hạn yêu cầu là 1 năm theo quy định tại điểm C Khoản 1 Điều 81 của Bộ luật dân sự năm 2005, đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý, không áp dụng thời hạn theo quy định tại điểm C Khoản 1 Điều 71 của Bộ luật dân sự 2015. Vấn đề xác định ngày chết để tính thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế được xác định trong quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 393 Bộ luật tố tụng dân sự 2015(21/6/2015). Tuy nhiên, khi xem xét thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế phải xem xét thời điểm nhận đơn khởi kiện. Nếu B có đơn khởi kiện chia di sản thừa kế trước ngày 01/01/2017 thì thời hiệu thừa kế là 10 năm, tính từ ngày 22/6/2015; còn trường hợp B có đơn khởi kiện chia di sản thừa kế kể từ ngày 01/01/2017 thì thời hiệu thừa kế là 30 năm, kể từ ngày 22/5/2015 (xem khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 02 ngày 30/6/2015 của Hội đồng thẩm phán TANDTC).
Trên cơ sở phân tích, so sánh các quy định pháp luật về thời hạn, thời hiệu được quy định tại Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), chúng ta có thể nhận thức và áp dụng thống nhất, nhưng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, khi áp dụng vào xử lý tình huống trong thực tiễn có cách hiểu khác nhau, đặc biệt là cách tính thời hạn tố tụng còn có vướng mắc do chưa phân biệt rõ từng loại thời hạn tố tụng có cách xác định khác nhau, cần áp dụng chính xác, đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất trong hệ thống Tòa án cũng như cơ quan tố tụng khác, góp phần bảo vệ quyền lợi cho đương sự, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân người tiến hành tố tụng, bảo vệ pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Nguồn Trang thông tin điện tử học viện tòa án