Thừa phát lại là gì? Khái niệm Thừa phát lại vẫn còn rất mới với người dân, hiện nay có nhiều văn phòng thừa phát lại hoạt động. Vậy theo quy định của pháp luật, Thừa phát lại là gì? Các quy định liên quan đến Thừa phát lại được như thế nào?
Thừa phát lại là gì?
Thừa phát lại theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP định nghĩa:
“Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”
Theo đó, Thừa phát lại là một chức danh chỉ người được bổ nhiệm để tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án dân sự.
Trong đó:
– Tống đạt là thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện.
– Vi bằng là văn bản ghi lại sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Vi bằng được lập theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Người dân hiện nay biết đến Thừa phát lại thông qua hoạt động lập vi bằng. Đặc biệt là việc lập vi bằng để mua bán đất bởi vi bằng được Thừa phát lại lập dựa theo thực tế chứng kiến, hành vi, sự kiện có thật nên sẽ là một trong những nguồn chứng cứ chính xác để sử dụng khi có tranh chấp.
Văn phòng Thừa phát lại là:
Tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tên gọi văn phòng Thừa phát lại bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Người đứng đầu Văn phòng Thừa phát lại là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại.
Công việc chính hay chức năng của thừa phát lại
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại được làm các công việc sau:
– Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
– Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
– Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
– Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Thông tin chi tiết Nghị định Số: 61/2009/NĐ-CP về Thừa phát lại