Kỹ năng của luật sư đề xuất, kiến nghị với cơ quan điều tra

Kỹ năng của luật sư đề xuất, kiến nghị với cơ quan điều tra (CQĐT). Để có cơ sở đề suất, kiến nghị thì luật sư cần trải qua giai đoạn tìm hiểu về nội dung vụ án trong từng trường hợp luật sư bảo vệ cho bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trên cơ sở nghiên cứu mới đưa ra kiến nghị với cơ quan Điều tra.

Kỹ năng của luật sư đề xuất, kiến nghị với cơ quan điều tra trong vụ án hình sự

» Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về thẩm quyền tiếp nhận tin tố giác tội phạm

1. Nghiên cứu nội dung vụ án

Trước tiên là luật sư cần nghiên cứu nội dung vụ án cho người phạm tội hoặc bị hại. Việc gặp gỡ và trao đổi với bị can trong giai đoạn điều tra thì công việc đầu tiên và quan trọng nhất của luật sư là giải thích cho họ biết mình có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, qua đó tạo sự tin tưởng cho bị can đối với mình. Khi đã có sự tin tưởng của bị can thì luật sư đề nghị họ trình bày một cách trung thực về toàn bộ những gì mà họ biết về vụ án.
Để việc gặp đạt kết quả, dựa vào hồ sơ vụ án và các nguồn tin khác, luật sư phải dự kiến trước nội dung cuộc gặp. Nên tìm hiểu sâu về những điểm còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn về chứng cứ, những tình tiết chứng minh vô tội hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Khi gặp gỡ bị can, luật sư cần giới thiệu, làm quen, thiết lập mối quan hệ giao tiếp thoải mái. Trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình mà thái độ của họ bất cần thì thời gian để thiết lập mối quan hệ giao tiếp phải nhiều hơn. Luật sư cần khéo léo gợi chuyện, hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… phải thể hiện sự cảm thông với họ. Khi đã tạo được không khí thoải mái, luật sư mới nêu những vấn đề dự kiến từ trước.
Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để bị can trả lời đúng trọng tâm. Cần tập trung làm rõ những điểm mấu chốt của vụ án, những tình tiết chứng minh vô tội và những tình tiết còn mâu thuẫn, chưa rõ (nếu có); sau đó mới hỏi về nhân thân của bị can.
Nếu bị can không biết cách trình bày hoặc trình bày không logic thì luật sư cần đặt những câu hỏi gợi mở để họ có thể trình bày được bản chất của vụ án. Khi bị can trả lời phái chú ý lắng nghe đồng thời phân tích và đặt các câu hỏi bổ sung để họ giải thích thêm.
Trong trường hợp bị can trình bày quanh co, thiếu lôgic không muốn nói sự thật của vụ án thì luật sư cần khuyên họ nên nói ra sự thật của vụ án thì luật sư mới có khả năng tư vấn và bào chữa cho họ có hiệu quả. Nếu những vụ án mà bị can là người gây ra thiệt hại và họ đã thừa nhận thiệt hại đó thì luật sư khuyên họ về thời điểm để khắc phục hậu quả để được hưởng những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 và Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015.

2. Đưa ra kiến nghị với cơ quan Điều tra

Ngay sau khi đã nắm được cơ bản về nội dung vụ án, luật sư cần có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan Điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Thí dụ, sau khi nắm được cơ bản về nội dung vụ án, luật sư thấy cần thiết phải lấy lời khai của một nhân chứng nào đó thì có thể yêu cầu cơ quan Điều tra triệu tập nhân chứng đến để lấy lời khai. Có hai phương thức để luật sư kiến nghị, đề xuất với cơ quan điều tra:

Thứ nhất, đề xuất kiến nghị trực tiếp và bằng lời nói.

Trong trường hợp này, luật sư cần hẹn lịch gặp điều tra viên (ĐTV) tại trụ sở cơ quan Điều tra và trong buổi làm việc này, luật sư cần đề nghị điều tra viên lập biên bản về nội dung buổi làm việc;

Thứ hai, đề xuất, kiến nghị với cơ quan điều tra bằng văn bản.

Với phương thức này, luật sư cần trình bày chính xác và rõ ràng đề xuất, kiến nghị của mình và khi gửi tài liệu đi luật sư cần đề nghị cơ quan Điều tra viết giấy biên nhận (nếu chuyển trực tiếp cho CQĐT) hoặc giữ lại phiếu gửi (nếu chuyển qua đường bưu điện). Dù là đề xuất, kiến nghị với cơ quan Điều tra bằng phương thức nào đi chăng nữa thì luật sư cũng cần đề nghị điều tra viên đưa văn bản đó vào hồ sơ và coi nó như một tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Khi luật sư thấy có những căn cứ là điều kiện để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thay đổi tội danh đối với thân chủ của mình thì luật sư cần kịp thời có đơn kiến nghị gửi đến cơ quan Điều tra đề nghị họ thực hiện. Ví dụ, trong trường hợp nghi ngờ bị can đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đề nghị cơ quan Điều tra ra quyết định trưng cầu giám định pháp y về năng lực trách nhiệm hành vi của họ. Nếu kết luận giám định xác định bị can bị mất năng lực trách nhiệm hành vi này xảy ra khi bị can thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội mà luật sư có sự đề nghị phù hợp.

Trong quá trình tham gia từ giai đoạn điều tra, luật sư nhận thấy khách hàng của mình có những điều kiện để có thể được cơ quan Điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác không phải là biện pháp tạm giam thì người bào chữa viết đơn đề nghị cơ quan điều tra, Viện kiển sát (VKS) áp dụng các quy định của pháp luật để cho khách hàng của mình được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trả tự do cho thân chủ hoặc hướng dẫn người nhà của bị can viết đơn bảo lãnh cho họ. Trong trường hợp cần thiết, luật sư có thể đứng ra bảo lãnh cho thân chủ của mình.

Nếu sau khi tiếp xúc với hồ sơ vụ án mà luật sư – người bào chữa nhận thấy việc mở rộng vụ án hình sự sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình thì luật sư cũng cần có đề xuất với cơ quan điều tra mở rộng vụ án.

Khi thấy vụ án mà mình có trách nhiệm bảo vệ cho thân chủ nếu nhập vào để xét xử trong một vụ án khác hoặc cần tách ra để xét xử trong một vụ án khác hoặc cần tách ra để xét xử sau thì đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ thì đề nghị cơ quan điều tra ra quyết định nhập, tách vụ án.

Từ thực tế hành nghề luật sư trong thời gian qua có thể nhận thấy, người bị tạm giữ, bị can, đặc biệt là những bị can muốn luật sư tham gia vào từ giai đoạn điều tra, bởi đối với họ, lúc này luật sư – người bào chữa là người duy nhất có thể tư vấn và hướng dẫn họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Hơn thế nữa, khi tham gia từ giai đoạn điều tra, người bào chữa sẽ giám sát và kịp thời phát hiện những sai sót (nếu có) của điều tra viên, từ đó có nhứng đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.

Như vậy, trong quá trình tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra thì tùy từng vụ án mà luật sư – người bào chữa linh động áp dụng các biện pháp mà pháp luật không cấm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tuy nhiên, để việc tham gia của luật sư – người bào chữa từ giai đoạn điều tra thực sự có hiệu quả thì không những những bản thân luật sư – người bào chữa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi mà CQĐT, VKS cũng cần phải có nhận thức đúng đắn về sự tham gia của luật sư – người bào chữa trong vụ án hình sự từ đó tạo những điều kiện tốt nhất để luật sư – người bào chữa thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

» Luật sư bào chữa hình sự

» Kỹ năng của luật sư tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự