Kỹ năng của luật sư trao đổi với bị can, bị cáo

Kỹ năng của luật sư trao đổi với bị can, bị cáo. Sau khi làm thủ tục gặp gỡ bị can, luật sư trao đổi với bị can trong giai đoạn điều tra thì công việc đầu tiên và quan trọng nhất của luật sư là giải thích cho bị can biết mình có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, qua đó tạo sự tin tưởng cho bị can đối với mình. Khi đã có sự tin tưởng của bị can thì luật sư đề nghị bị can trình bày một cách trung thực về toàn bộ những gì mà bị can biết về vụ án. Để việc gặp đạt kết quả, dựa vào hồ sơ vụ án và các nguồn tin khác, luật sư phải dự kiến trước nội dung cuộc gặp. Nên tập chung làm rõ những điểm mấu chốt của vụ án, những tình tiết còn mâu thuẫn, chưa rõ về chứng cứ, những tình tiết chứng minh vô tội hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Khi gặp gỡ bị can, luật sư cần giới thiệu, làm quen, thiết lập mối quan hệ giao tiếp thoải mái. Trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình mà thái độ của bị can bất cần thì thời gian để thiết lập mối quan hệ giao tiếp phải nhiều hơn. Luật sư cần khéo léo gợi chuyện, hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… phải thể hiện sự cảm thông với bị can. Khi đã tạo được không khí thoải mái, luật sư mới nêu những vấn đề dự kiến từ trước. Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để bị can trả lời đúng trọng tâm. Cần tập trung làm rõ những điểm mấu chốt của vụ án, những tình tiết chứng minh vô tội và những tình tiết còn mâu thuẫn, chưa rõ (nếu có); sau đó mới hỏi về nhân thân của bị can. Nếu bị can không biết cách trình bày hoặc trình bày không lôgic thì luật sư cần đặt những câu hỏi gợi mở để bị can có thể trình bày được bản chất của vụ án. Khi bị can trả lời luật sư phái chú ý lắng nghe đồng thời phân tích và đặt các câu hỏi bổ sung để bị can giải thích thêm. Trong trường hợp bị can trình bày quanh co, thiếu logic không muốn nói sự thật của vụ án thì luật sư cần khuyên bị can nên nói ra sự thật của vụ án thì luật sư mới có khả năng tư vấn và bào chữa cho bị can có hiệu quả. Nếu những vụ án mà bị can là người gây ra thiệt hại và bị can đã thừa nhận thiệt hại đó thì luật sư khuyên bị can về thời điểm để khắc phục hậu quả để được hưởng những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 BLHS 2009.

» Kỹ năng của luật sư tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự

» Luật sư bào chữa vụ án hình sự