Cần làm gì khi bị cơ quan công an triệu tập, mời làm việc. Cơ quan công an gửi giấy triệu tập cho người dân lên làm việc khi người đó là bị can, người tố giác tội phạm, người liên quan đến vụ án.
Trong trường hợp công an gửi giấy triệu tập không đúng quy định, chúng ta có quyền từ chối làm việc để tránh làm mất thời gian cũng như những rắc rối mà chúng ta có thể gặp phải trong quá trình làm việc.
Sau đây là những quy định của pháp luật về triệu tập và mời làm việc:
Mục lục bài viết
-
Cần làm gì khi bị cơ quan công an triệu tập, mời làm việc
- 1. Trong những trường hợp nào thì công an được phép triệu tập người dân lên làm việc?
- 2. Giấy triệu tập được gửi cho ai?
- 3. Khi nhận được giấy mời người dân có nghĩa vụ gì:
- 4. Kinh nghiệm làm việc với cơ quan điều tra khi được triệu tập
- 5. Chuẩn bị sẵn tâm lý, bình tĩnh trả lời
- 6. Có thể từ chối làm việc khi bị triệu tập, cách từ chối không vi phạm quy định pháp luật?
- 7. Khi nào bị Áp giải, dẫn giải
- 8. Mời luật sư có mặt từ đầu
- 9. Người dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo khi công an triệu tập trái luật
Cần làm gì khi bị cơ quan công an triệu tập, mời làm việc
1. Trong những trường hợp nào thì công an được phép triệu tập người dân lên làm việc?
Công an triệu tập người dân lên làm việc là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc đó nhiều lúc cũng tạo cho chúng ta cảm giác lo lắng, ái ngại làm việc với cơ quan điều tra.
Không phải lúc nào cũng có thể triệu tập người dân lên làm việc. Muốn triệu tập cần có lý do chính đáng cũng như giấy tờ triệu tập đúng quy định của pháp luật.
Giấy triệu tập là một biểu mẫu tố tụng được dùng trong Tố tụng hình sự. Thực tế nhiều nơi, cơ quan công an lại gửi giấy mời cho người dân yêu cầu có mặt tại cơ quan điều tra để làm việc. Không có một văn bản pháp luật nào có quy định về việc giấy mời là văn bản mang tính bắt buộc người dân phải thực hiện nghĩa vụ như giấy triệu tập.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 37 Bộ Luật tố tụng hình sự. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
“d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;”
Việc triệu tập người dân lên làm làm việc nhằm mục đích thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên ngày càng có nhiều vụ mạo danh công an triệu tập người dân qua điện thoại với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, chúng ta nên cảnh giác để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
2. Giấy triệu tập được gửi cho ai?
Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án. Giấy triệu tập được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng sau:
– Bị can có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 60 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;”
– Bị cáo có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 61 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;”
– Bị hại có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;”
– Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 63 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;”
– Bị đơn dân sự có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;”
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;”
– Người làm chứng có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;”
– Người chứng kiến có nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 67 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;”
– Người giám định, Người định giá tài sản, Người phiên dịch, người dịch thuật có nghĩa vụ tại Điều 68, 69, 70 BLTTHS 2015:
“a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;”
3. Khi nhận được giấy mời người dân có nghĩa vụ gì:
Thực tế, rất nhiều trường hợp ngay khi có đơn tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm là lập tức những đối tượng bị tình nghi, người làm chứng bị triệu tập. Điều này là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong trường hợp này, điều tra viên dùng giấy mời công dân đến làm việc.
Có thể hiểu giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan điều tra, tòa án… mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc/vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc/vụ án.
Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu có thời gian và hoàn cảnh cho phép, khi nhận được giấy mời của cơ quan chức năng người dân nên có mặt để biết rõ hơn tại sao và liên quan thế nào tới vụ việc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra hoặc làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời.
Như vậy, chỉ khi đã khởi tố vụ án, xác định rõ tư cách tham gia tố tụng thì mới được triệu tập đối với: bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng… sẽ mang tính bắt buộc thực hiện. Nhất là đối với bị can, bị cáo mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.
4. Kinh nghiệm làm việc với cơ quan điều tra khi được triệu tập
Trước khi trình bày lời khai cần yêu cầu Cơ quan điều tra cho biết lý do triệu tập? Bị triệu tập với tư cách gì trong vụ việc? Nội dung buổi làm việc?
Nội dung làm việc với người dân được ghi trong giấy triệu tập. Người được triệu tập chỉ có trách nhiệm hợp tác, khai báo, làm việc trong phạm vi nội dung được đề cập tới trong giấy triệu tập.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, những gì có liên quan đến buổi làm việc bạn chắc chắn thì hãy trả lời. Những chi tiết chưa nhớ rõ hoặc cần tài liệu đối chiếu thì không vội vàng trả lời; có thể hẹn cung cấp thông tin sau cho Cơ quan điều tra.
Trước khi ký bản khai cần:
+ Tự đọc lại kiểm tra đúng nội dung đã trả lời trước đó;
+ Yêu cầu cán bộ điều tra gạch những phần để trống (mà có khả năng đủ diện tích ghi thêm chữ);
+ Những chữ gạch xóa viết lại phải có chữ ký xác nhận ngay tại phần gạch xóa đó; ký từng trang và trang cuối ký ghi rõ họ tên.
Theo hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Người được cơ quan điều tra có quyền yêu cầu đơn vị, người triệu tập giải thích quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu có bất cứ hành vi nào nhằm trấn áp tinh thần, bị công an đánh, các hình thức ép cung, bức cung… công dân cần có thái độ phù hợp, không thái quá, đồng thời yêu cầu ngừng làm việc để có người giám hộ hoặc yêu cầu nhờ luật sư bào chữa vụ án hình sự.
5. Chuẩn bị sẵn tâm lý, bình tĩnh trả lời
Khi bị triệu tập, mời lên làm việc về một vấn đề liên quan thì người được triệu tập nên chuẩn bị sẵn tâm lý, bình tĩnh trả lời các câu hỏi của công an.
Nếu câu hỏi có dấu hiệu quy chụp trách nhiệm, quy tội thì người được triệu tập có quyền ghi vào biên bản về nội dung đó.
Trường hợp người được triệu tập không phạm tội nhưng biết được người khác có liên quan đến vụ án thì nên thành khẩn khai báo để tránh bị truy tố với tội “không tố giác tội phạm”.
Sau khi làm việc, người được triệu tập cần đọc kỹ biên bản làm việc và ghi rõ đồng ý hay không đồng ý với nội dung làm việc nào và yêu cầu cơ quan công an cung cấp bản sao biên bản làm việc (trừ biên bản hỏi cung bị can, bị cáo). Kiên quyết không ký vào biên bản ghi nhận nội dung không đúng lời trình bày của mình…
6. Có thể từ chối làm việc khi bị triệu tập, cách từ chối không vi phạm quy định pháp luật?
Bộ luật tố tụng Hình sự hiện chỉ quy định người dân bắt buộc phải làm việc với cơ quan công an khi là người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bị tố giác, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…) trong một vụ án đã được khởi tố. Không có điều luật nào quy định người dân phải chấp hành giấy mời của cơ quan công an vì các lý do không liên quan đến một vụ án đã được khởi tố.
Người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan điều tra trong những trường hợp sau:
+ Cơ quan điều tra yêu cầu sự hợp tác của người dân mà không có giấy mời, giấy triệu tập đúng quy định của pháp luật.
+ Nội dung làm việc không được ghi trong giấy mời, giấy triệu tập.
Việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185, 186 và 187 của Bộ luật tố tụng hình sự.
+ Trường hợp bắt giữ, cưỡng chế trái với quy định phạm luật, xâm phạm quyền con người được quy định trong hiến pháp.
Trong những trường hợp trên, người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan công an. Hành vi từ chối này không vi phạm quy định của pháp luật mà đó là cách bảo vệ quyền con người quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.
7. Khi nào bị Áp giải, dẫn giải
Áp giải, dẫn giải quy định tại Điều 127 BLTTHS như sau:
“1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.”
8. Mời luật sư có mặt từ đầu
Tâm lý của người bị cơ quan công an mời thường hoang mang lo lắng thì người bị công an triệu tập cần mời luật sư ngay từ đầu để bảo vệ quyền lợi cho chính mình vì Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:
“luật sư bảo vệ cho người bị tố giác hay bị kiến nghị khởi tố được quyền có mặt khi lấy lời khai và có mặt tham gia trong các hoạt động điều tra xác minh khác như đối chất, nhận dạng…”
Khi có Luật sư đi cùng bên mình, bạn sẽ an tâm hơn, tránh được các trường hợp bị dọa nạt, đe nẹt, bức cung hay gặp phải tình huống xấu sẽ được tư vấn và xử lý kịp thời từ phía Luật sư của mình,
Lưu số điện thoại khi cần để mời luật sư: 0768236248 – Chat Zalo.
9. Người dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo khi công an triệu tập trái luật
Căn cứ theo Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định thì mọi người dân đều có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền khi cá nhân, cơ quan tổ chức làm sai quy định pháp luật. Khi có khiếu nại, tố cáo, cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền phải tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân về hành vi sai pháp luật đó. Đồng thời, theo Điều 32 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.
Tư vấn khiếu nại, tố cáo hành vi trái quy định
Mời luật sư hỗ trợ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hành vi trái quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cụ thể bằng những công việc sau:
+ Tư vấn luật hình sự các quy định pháp luật khiếu nại, tố cáo và vấn đề pháp lý khác có liên quan đến hành vi bị khiếu nại tố cáo, quyền của người khiếu nại, tố cáo;
+ Luật sư tham gia cùng khách hàng làm việc tại cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng;
+ Hỗ trợ, hướng dẫn soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo;
+ Hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu chứng minh có hành vi vi phạm xảy ra;
Trên đây là bài viết của chúng tôi tư vấn về những quy định của pháp luật liên quan đến việc người dân bị cơ quan công an triệu tập, mời lên làm việc.
» Mời luật sư khi công an triệu tập, mời lên làm việc
» Thuê luật sư bào chữa từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Khi quí vị nhận được giấy triệu tập hay giấy mời lên làm việc nếu có băn khăn cần thuê luật sư tư vấn, xin liên hệ: