Xin lỗi, cải chính công khai khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Quy định của pháp luật về xin lỗi, cải chính công khai khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm. Hiện nay theo một số quy định đối với một số vụ việc sau khi đã giải quyết, thì người gây ra hậu quả cong phải xin lỗi công khai. Vậy quy định về xin lỗi công khai như thế nào?

Quy định của pháp luật về xin lỗi, cải chính công khai khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm

Hiến pháp năm 2013 có quy định như sau:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khảo, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Cụ thể hoá quy định này tại Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Đồng thời quy định rõ cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Hiện nay pháp luật không quy định thế nào là danh dự, nhân phẩm uy tín của cá nhân. Cho nên ở một góc độ nào đó căn cứ trên các chuẩn mực đạo đức hội có thể hiểu danh dự, nhân phẩm uy tín của cá nhân như sau: Danh dự là sự đánh giá của xã hội về một con người thông qua hành vi ứng xử của họ trong xã hội, một người được đánh giá là có danh dự là người có lòng tự trọng cao, trung thực, ngay thẳng, không tham lam, gian dối, lọc lừa,… Vì vậy, họ được xã hội tôn trọng, quý mến. Nhân phẩm là những phẩm chất tốt đẹp của con người, những phẩm chất mà chỉ có con người mới có, nó làm cho con người là người và khác với những động vật khác. Uy tín là sự tin tưởng, tín nhiệm và mến phục của mọi người dành cho một người nhất định. Họ có tầm ảnh hưởng lớn tới những mối quan hệ xung quanh và sự ảnh hưởng này được thể hiện ra một cách tích cực. (1)

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể là bằng lời nói hoặc cử chỉ hành động nhằm công kích, thóa mạ gây xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ internet hiện nay, việc lợi dụng các mạng xã hội để đưa tin, hình ảnh của người khác không đúng sự thật, thông tin chưa được kiểm duyệt có thể làm ảnh hướng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Trong những trường hợp như vậy, để bảo vệ quyền danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền khởi kiện ra Toà án yêu cầu người có hành vi làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín phải xin lỗi, cải chính công khai.

Hiện nay, trình tự, thủ tục tiến hành xin lỗi và cải chính công khai do hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân chưa được pháp luật quy định cụ thể. 

Pháp luật hiện nay chỉ quy định trình tự, thủ tục xin lỗi, cải chính công khai trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án gây ra thiệt hại. Cụ thể như sau:

1.1. Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai

Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2019 quy định việc trực tiếp xin lỗi được thực hiện tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại. Trình tự, thủ tục trực tiếp xin lỗi công khai được quy định như sau:

– Về thành phần và thủ tục trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai:

Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm mời các thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai sau đây:

+ Người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

+ Đại diện lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau cùng gây thiệt hại;

+ Đại diện UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ hoặc chồng, cha, mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại;

+ Người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại (nếu có), người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại (nếu có);

+ Đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc, học tập (nếu có); đại diện tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp mà người bị thiệt hại là thành viên (nếu có);

+ Đại diện cơ quan báo chí;

h) Các thành phần khác mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thấy cần thiết.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản có ý kiến đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm:

+ Ấn định thời gian, địa điểm và mời thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai;

+ Phân công 01 lãnh đạo cơ quan trình bày văn bản xin lỗi và cải chính công khai;

+ Đề nghị UBND cấp xã nơi tổ chức buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bảo đảm an ninh, trật tự cho buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai.

1.2. Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai

Việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai được quy định như sau:

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở Trung ương có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo Trung ương và 01 tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp; đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở địa phương có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo cấp tỉnh tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp; đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

– Ngay sau khi đăng báo xin lỗi và cải chính công khai, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi tờ báo đó tới người bị thiệt hại và UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại để niêm yết công khai tại trụ sở. Chủ tịch UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại có trách nhiệm niêm yết các trang báo đăng nội dung xin lỗi và cải chính công khai. Thời gian niêm yết là 15 ngày. 

Ghi rõ nguồn lsvn.vn

» Luật sư tư vấn pháp luật hành chính