Thủ tục thăm, gặp người bị tạm giam, tạm giữ

Thủ tục thăm, gặp người bị tạm giam, tạm giữ. Khi có người thân đang bị tạm giam, tạm giữ, thì thủ tục thăm gặp người thân đang bị tạm giam, tạm giữ như thế nào? cần chuẩn bị thủ tục gì để gửi đồ ăn, đồ uống, tiền, thuốc cho người thân bị tạm giam?

I. Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Hình sự 2015;
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015;
Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân, nhận quà, nhận thư, báo, sách tài liệu

II. Thủ tục thăm, gặp người bị tạm giam, tạm giữ:

– Những người được thăm gặp người bị tạm giam, tạm giữ:

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định người bị tạm giam có quyền:
“Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự”.

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 xác định cụ thể:
Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

Chính vì vậy, những người nêu trên hoàn toàn có quyền được thăm gặp người thân, số lượng không quá 3 thân nhân trong mỗi lần gặp. Tuy nhiên, bạn cần chú ý những điều sau liên quan đến vấn đề thăm gặp người đang tạm giam:

1. Thời gian thăm gặp.
Theo Khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Khoản 4 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA, người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân.

2. Thủ tục thăm gặp người bị tạm giam
Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA, thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau:

– Giấy CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh;

– Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

– Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền;

– Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

3. Thủ tục gửi quà cho người bị tạm giam
Theo Khoản 2 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA, người bị tạm giam được nhận quà từ người thân gửi đến.
– Số lượng: Không quá 3 lần trong 1 tháng;
– Định lượng quà: đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
– Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giam được gửi gồm:
Tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm);
Gửi tiền bằng cách gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ.
Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.
– Thủ tục gửi quà:
+ Đơn xin tiếp tế cho người tạm giam (theo mẫu);
+ Thân nhân đến gặp trực tiếp hoặc văn bản ủy quyền cho người khác phải có xác nhận của UBND xã;
+ Giấy tờ tùy thân.

» Mẫu đơn xin gặp người bị tạm giữ, tạm giam

» Luật sư tư vấn luật hình sự

Trên đây là thủ tục thăm, gặp người bị tạm giam, tạm giữ.