Quy định về vay tín chấp ngân hàng là gì? Vay tín chấp khác với vay thế chấp, vay tín chấp hiện nay rất phổ biến. Vì vay tín chấp không có tài sản bảo đảm nên vay tín chấp thường có lãi suất cao nhưng thủ tục khá đơn giản.
Mục lục bài viết
Quy định về vay tín chấp ngân hàng hiện nay?
» Các hình thức của các tổ chức tín dụng
1. Khái niệm về vay tín chấp
Vay tín chấpkhông phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là cách nói thông thường của người dân. Vì thế, khái niệm này không được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Theo cách hiểu thông thường, vay tín chấp là hình thức cho vay vốn không cần tài sản đảm bảo. Đơn vị xét duyệt khoản vay dựa vào uy tín và mức thu nhập của người vay; lịch sử tín dụng của họ…
Như vậy, có thể hiểu đơn giản, vay tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về năng lực trả nợ để phục vụ cho các mục đích cá nhân.
Vay tín chấp cũng thường được xét duyệt trong trường hợp khách hàng vay tiêu dùng…
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN:
“1. Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó…”
2. Lãi suất khi vay tín chấp
Vay tín chấp giữa ngân hàng, công ty tài chính với người vay không chịu sự điều chỉnh bởi quy định về lãi vay của Bộ luật Dân sự bởi tổ chức tín dụng là đối tượng điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực (như lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa…).
Thông thường, bởi những rủi ro do vay tín chấp không có tài sản bảo đảm mang lại rất cao nên lãi suất cho vay tín chấp cũng cao hơn vay thế chấp. Tuy nhiên, mức lãi cụ thể là bao nhiêu phụ thuộc vào từng ngân hàng, công ty tài chính; phụ thuộc vào thỏa thuận với bên vay và mức độ uy tín của người vay…
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
3. Vay tín chấp ở đâu? Bằng cách nào?
Hiện nay, rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính cho khách hàng vay tín chấp. Có thể kể đến: ACB, ANZ, Citibank, HSBC, Maritime Bank, Standard Chartered, Techcombank, VPBank, FE Credit, Easy Credit, Lotte Finance…
Có nhiều hình thức vay tín chấp như:
– Vay tín chấp theo lương;
– Vay tín chấp theo sổ hộ khẩu;
– Vay tín chấp theo đăng ký xe;
– Vay tín chấp theo hợp đồng bảo hiểm;
– Vay tín chấp theo sim;
– Vay tín chấp theo hóa đơn điện nước…
Để được vay tín chấp, người vay liên hệ với ngân hàng hoặc các công ty tài chính để được hướng dẫn cung cấp các giấy tờ cần thiết. Bởi mỗi ngân hàng, công ty tài chính, với mỗi gói vay khác nhau sẽ yêu cầu các giấy tờ không giống nhau.
VD, nếu cần vay qua lương, người vay chủ yếu cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Chứng minh nhân dân/ Thẻ Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hiệu lực;
– Sổ hộ khẩu/ Giấy phép lái xe;
– Hợp đồng lao động/ Xác nhận nhân sự/ Quyết định biên chế;
– Sao kê lương/ Xác nhận lương;
– Giấy đề nghị vay vốn;
– Phương án sử dụng vốn.