Danh mục các Bản án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Danh mục các Bản án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

  • Quyền tác giả: Bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
  • Quyền sở hữu công nghiệp: Bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
  • Quyền đối với giống cây trồng: Là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Mục lục bài viết

Danh mục các Bản án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

1. Sử dụng nhãn hiệu của công ty khác đã được đăng ký bảo hộ

Sơ lược nội dung: việc Công ty TNHH M trong quá trình hoạt động kinh doanh có sử dụng dấu hiệu F mà Công ty CP H là chủ thể đang trong thời hạn được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để gắn vào tên gọi, biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện quảng cáo kinh doanh, có cùng kênh tiêu thụ dịch vụ du lịch, là có dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “F” mà Công ty CP H đang được pháp luật bảo hộ.

Bản án số 18/2016/KDTM-ST của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

2. Sản xuất xe máy tương tự xe đã được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Sơ lược nội dung: Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã ban hành Kết luận giám định số KD001- 17YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 và kết luận là kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652. Căn cứ vào khoản 1 Điều 126 Luật SHTT thì hành vi sản xuất và kinh doanh sản phẩm xe máy điện của Bị đơn mang kiểu dáng như đã phân tích ở trên cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Nguyên đơn. Hội đồng xét xử thấy đủ căn cứ xác định kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là xâm phạm quyền bảo hộ tại Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn.

Nguyên đơn yêu cầu bồi thường như sau: tiền thanh toán chi phí hợp lý mà Nguyên đơn đã thuê Luật sư là 200.000.000 đồng; tiền thiệt hại khác bao gồm tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 đồng, tiền lập Vi bằng Thừa phát lại là 3.960.000 đồng và tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 đồng. Tổng cộng là 217.584.500 đồng, Hội đồng xét xử xét thấy đây là những thiệt hại thực tế của Nguyên đơn và Nguyên đơn có đủ hóa đơn, tài liệu chứng minh cho yêu cầu này, nên theo quy định tại khoản 4 Điều 202, Điều 204, Điều 205 Luật SHTT là có căn cứ để chấp nhận.

Bản án số 36/2018/KDTM-ST của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

3. Asanzo sử dụng nhãn hiệu xâm phạm Asanno đã được đăng ký bảo hộ

Sơ lược nội dung: Tại Văn bản số 3374/SHTT-TTKN ngày 06/5/2016, Cục S – Bộ Khoa học và Công nghệ xác định: “Tuy có sự khác biệt ở màu sắc, các chữ cái là phụ âm (thêm chữ Z) và chữ “A” được trình bày đủ nét, nhưng kết hợp chữ và hình trên vẫn tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ”. Từ đó, Cục S – Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận hành vi của bị đơn là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn chấm dứt sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” ( ) và bồi thường cho nguyên đơn số tiền 100.000.000 đồng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Công ty Đ không đưa ra được chứng cứ chứng minh về thiệt hại vật chất, không xác định được bị đơn đã thu được bao nhiêu lợi nhuận từ việc sử dụng nhãn hiệu. Lợi nhuận của Công ty cổ phần điện tử A Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố cộng hưởng lại. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận mức bồi thường 100.000.000 đồng là có căn cứ, cũng phù hợp với quy định tại Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ mà nguyên đơn đưa ra.

Bản án về tranh chấp nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ số 01/2019/KDTM-PT

4. Sử dụng xe máy điện và nhãn hiệu tương tự kiểu dáng xe Piaggio và nhãn hiệu đã được bảo hộ

Sơ lược nội dung: Tại bản kết luận giám định: Sản phẩm xe máy điện do Bị đơn sản xuất, lưu thông đều tương ứng có hầu hết đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Sản phẩm chỉ khác kiểu dáng công nghiệp ở các đặc điểm sàn xe phẳng không có sống lưng, phía trên bánh xe có hai gân mảnh chéo vào giữa, đầu chắn bùn trước cong nhọn chứ không thẳng; đèn xi nhan sau hình dạng đầu mũi tên chứ không phải hình thang ngược), các đặc điểm khác biệt trên chỉ là sự thay đổi đơn giản và không làm thay đổi đặc điểm tạo dáng của Yếm xe cũng như của cả chiếc xe. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của sản phẩm xe máy điện do Bị đơn sản xuất là không khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, là bản sao của Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ của Nguyên đơn.

Bản án số 01/2018/KDTM-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên

5. Đăng ký nhãn hiệu DESYLOIA trùng với chỉ dẫn thương mại của công ty khác đã sử dụng từ trước

Sơ lược nội dung: Công ty Kỹ thuật TB không chỉ ra được nguồn gốc của nhãn hiệu “DESYLOIA” do mình đăng ký và chưa có kế hoạch sử dụng nhãn hiệu đăng ký là không phù hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ. Trong khi đó, Công ty DN đã chứng minh nguồn gốc và việc sử dụng nhãn hiệu “De Syloia” từ nhiều năm, trước ngày Công ty kỹ thuật TB nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Công ty kỹ thuật TB không sử dụng nhưng lại nộp đơn đăng ký để được cấp GCNĐKNH số 116243 bảo hộ nhãn hiệu “DESYLOIA” cho các dịch vụ thuộc nhóm 43 đã dẫn đến kết quả là việc tiếp tục sử dụng dấu hiệu “HOTEL DESYLOIA” của Công ty DN bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Do đó, Công ty DN cho rằng Công ty kỹ thuật TB đăng ký nhãn hiệu “DESYLOIA” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhằm chiến đoạt nhãn hiệu “DE SYLOIA” đang được sử dụng hợp pháp của Công ty DN là có căn cứ, theo quy định tại Điều 5.1.b Nghị định số 12/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Bản án số 210/2018/HC-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

6. Sản xuất hàng hóa đạt chất lượng 70% trở lên nên truy tố tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là không chính xác. Phải xác định phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Sơ lược nội dung: Tại Văn bản giám định: tất cả các phần trăm chỉ tiêu chất lượng so với TCCS của Bút gel mực nước A thấp nhất là 72,5%, cao nhất là 100%; đối với thước K loại dài 20cm thấp nhất là 95,5%, cao nhất là 105,9%; thước K loại dài 30cm thấp nhất là 98,3%, cao nhất là 103,5%. Như vậy so với quy định về “hàng giả” tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả…. được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 thì hàng giả là:

“b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;”
Đối chiếu với quy định trên, thì hành vi của bị cáo Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Bản án số 09/2019/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh

7. Nhập khẩu thuốc chữa bệnh ung thư. Phạm tội buôn lậu hay tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh

Sơ lược nội dung: Qua xem xét chuỗi các hành vi mà các bị cáo đã thực hiện từ việc thỏa thuận mua, bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, khâu chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi tiền hoa hồng trước cho các bác sỹ…cho đến khi làm thủ tục thông quan cho thấy ý chí của các bị cáo khi thực hiện tội phạm có dấu hiệu của tội “ Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo này về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự là không phản ánh đúng các tình tiết khách quan của vụ án, cũng như động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo.

Bản án số 567/2017/HS-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

8. Tranh chấp nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và Hợp đồng sản xuất kịch bản

Sơ lược nội dung: Vào ngày 09/6/2015 hai bên đã ký 02 hợp đồng gồm “Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả” và “Hợp đồng sản xuất kịch bản”. Theo nội dung hai hợp đồng này thì nghĩa vụ của bà Đ khác nhau và giá trị của mỗi hợp đồng ghi rõ bằng 195.000.000đ bao gồm cả tiền đóng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, có căn cứ xác định đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả thì bà Đ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình, còn Công ty Cổ phần Hãng Phim V chưa thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bà Đ ; Công ty Cổ phần Hãng Phim V không đưa ra được chứng cứ chứng minh hai hợp đồng này là một. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xét xử buộc Công ty Cổ phần Hãng Phim V phải trả cho bà Đ số tiền 175.500.000đ, đóng tiền thuế thu nhập cá nhân cho bà Đ 19.500.000đ và bác yêu cầu của bà Đ về việc buộc Công ty Cổ phần Hãng Phim V bồi thường số tiền 246.000.000 đồng là có căn cứ.

Bản án số 29/2018/KDTM-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

9. Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Sơ lược nội dung: Xét nguồn ngốc của các cụm hình ảnh được thể hiện trong tác phẩm của ông D là những hình ảnh đã được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu, các tác giả chỉ thay đổi một số đường nét và sắp xếp theo một bố cục và hình thức thể hiện để tạo nên tác phẩm riêng của mình. Do đó, quyền tác giả của các hình ảnh riêng rẽ đã được lưu truyền lâu đời trong văn hóa dân gian không thể xác định được là của ai.

Bản án số 213/2014/DS-ST của Tòa án nhân dân quận TB

10. Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với giải pháp hữu ích

Sơ lược nội dung: Đầu năm 2003, ông Thanh phát hiện ông Minh và bà Sinh chế tạo và mang bán trên thị trường loại máy đùn gạch có trục mà ông Thanh đã được nhà nước bảo hộ độc quyền…

Quyết định Giám đốc thẩm số 06/2015/KDTM-GĐT của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

11. Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với giải pháp hữu ích Hệ thống vận chuyển xi măng

Sơ lược nội dung: Kết luận giám định: Bản chất kỹ thuật của hệ thống vận chuyển xi măng bằng xà lan của BĐ khác so với bản chất kỹ thuật và yêu cầu bảo hộ của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích 622 như sau: Không có trục vít, chỉ có 1 hệ thống nén khí và một hệ thống bồn.

Nguyên lý hoạt động của bồn chịu áp theo Bằng độc quyền giải pháp hữu ích 622 là xi măng rời và không có khí nén chuyển động ngược chiều nên dễ tạo sự hòa trộn xi măng rời và không khí nén. Nguyên lý này chỉ là hiểu biết kỹ thuật thông thường và cũng không được nêu trong yêu cầu bảo hộ. Do đó không thể xem là một nội dung để so sánh. Vì vậy thiết kế của BĐ không tương tự với thiết kế của NĐ.

Bản án số 136/2011/KDTM-PT của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM

12. Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Xác định thiệt hại như thế nào?

Sơ lược nội dung: Theo kết luận giám định thì các bị đơn đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nguyên đơn. Việt Nam cũng là thành viên của thỏa ước Madrid nên phải có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các loại hàng hóa đã được đăng ký theo thỏa ước này….

Cần phải căn cứ vào quy định của luật SHTT và các quy định khác của pháp luật để xác định mức thiệt hại thực tế của nguyên đơn để buộc các bị đơn bồi thường theo đúng quy định pháp luật…

Quyết định giám đốc thẩm số 29/2009/DS-GĐT_HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

13. Tranh chấp Hợp đồng chuyển giao sáng chế khi chưa có Hợp đồng chính thức. Công nghệ, sản phẩm chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế

Sơ lược nội dung: Mặc dù ông T không thừa nhận ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với ông H, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Nguyễn Bá Th xác định và cung cấp tài liệu chứng minh: Vào tháng 9/2015, ông Đậu Chí T là Giám đốc Công ty CP thương mại M có đặt vấn đề viết bài quảng cáo cho sản phẩm kéo cắt cành trụ tiêu trên cao và chứng minh bằng quyền sở hữu của mình là bản hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa ông T và ông H, nên ông (Thăng) đã viết bài gửi đến chương trình Góc nhìn khán giả – kênh VTC4 vào ngày 09/9/2015 để đăng tải.

Mặt khác tại băng ghi âm cuộc đối thoại giữa ông H và ông T (ông T thừa nhận đó là giọng nói của mình) có nội dung ông T sẽ trả tiền cho ông H một cục. Như vậy có căn cứ xác định ông H có chuyển giao công nghệ “Kéo cắt cành trụ tiêu trên cao” cho ông T. Tuy nhiên do tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án là bản Hợp đồng chuyển giao công nghệ chỉ có 02 trang giấy và không có quy định số tiền chuyển giao công nghệ (theo ông T, Hợp đồng có 03 trang, trong đó số tiền hai bên thỏa thuận được viết ở trang 02 nhưng ông T đã cất giấu).

Do đó cần phải tiến hành định giá xác định giá trị sáng chế “Kéo cắt cành trụ tiêu trên cao” để buộc ông T phải trả giá trị chuyển giao công nghệ cho ông H mới đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên án sơ thẩm cho rằng tại thời điểm chuyển giao công nghệ, sản phẩm “Kéo cắt cành trụ tiêu trên cao” chưa được đăng ký, chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế nên không có giá trị pháp lý…

Bản án số 04/2019/KDTM-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Bản án về tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ số 774/2019/DSPT

» Luật sư tư vấn sở hữu trí tuệ

» Luật sư bảo vệ vụ án Sở hữu trí tuệ