Quy định từ chối giám định thương tật, thương tích. Trường hợp nào bị hại được quyền từ chối giám định thương tật? Từ chối giám định thương tật là khi xảy ra khi phát sinh hậu quả của hành vi gây thương tích, mà hai bên đã có sự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường về sức khỏe, tài sản, thì bên bị tổn hại sức khỏe có thể phục hồi, cần làm đơn từ chối giảm định sức khỏe.
Mục lục bài viết
Quy định từ chối giám định thương tật, giám định thương tích
1. Khái niệm về Thương tật và Giám định thương tật
Có thể hiểu, thương tật là những dị tật đã được cơ quan có thẩm quyền xác định sau khi vết thương đã được điều trị.
Theo đó, tỷ lệ thương tật có vai trò rất quan trọng trong một vụ án hình sự, là căn cứ trực tiếp để truy cứu trách nhiệm hình sự và yêu cầu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Tỷ lệ này được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra kết luận giám định bằng kiến thức chuyên môn, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật.
Cần phải lưu ý tránh việc nhầm lẫn giữa thương tật và thương tích khi thương tích là tình trạng vết thương trên cơ thể do bị tổn thương vì tai nạn, bom đạn hay do các hành vi phạm tội gây nên.
Giám định thương tật là việc mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra kết luận giám định về tỷ lệ thương tích hoặc tổn thương cơ thể của một người bằng kiến thức chuyên môn, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật.
2. Giám định thương tật được tiến hành khi nào?
Theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc trưng cầu giám định cụ thể như sau:
“1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.”
Theo đó, tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định như sau:
“Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức , khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những loại tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”
Như vậy, có thể thấy, việc trưng cầu giám định thương tật sẽ được tiến hành trong hai trường hợp:
– Thứ nhất: Giám định thương tật bắt buộc nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 yêu cầu phải trưng cầu giám định.
– Thứ hai: Khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định thương tật.
3. Bị hại có được từ chối giám định thương tật hay không?
Theo quy định về bị hại, theo đó bị hại có các nghĩa vụ theo Khoản 4 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như:
– Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
– Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về áp giải, dẫn giải, theo đó dẫn giải có thể áp dụng đói với một trong các trường hợp sau:
– Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Theo quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị hại có nghĩa vụ phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Cụ thể, bị hại không được từ chối yêu cầu giám định thương tật đối với những trường hợp phải giám định thương tật bắt buộc quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định thương tật. Trong những trường hợp trên, nếu bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì sẽ bị dẫn giải.
Như vậy, người bị hại được từ chối giám định thương tật trong những trường hợp:
– Không thuộc một trong những trường hợp giám định thương tật bắt buộc quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
– Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải giám định thương tật;
– Khi bị hại từ chối yêu cầu giám định thương tật mà có lý do bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan;
– Khi các bên đã thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường đối với các thiệt hại về sức khỏe, tài sản và sự thỏa thuận này không vi phạm các quy định của pháp luật thì bị hại có quyền từ chối giám định thương tật.