Người mắc bệnh tâm thần phạm tội xử lý thế nào?

Người mắc bệnh tâm thần phạm tội xử lý thế nào? Người mắc bênh tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác là một trong những vấn đề hết sức nguy hiểm cho xã hội. Thực tế, ranh giới để xác định người mắc bênh tâm thần hay không rất mong manh. Vì vậy, việc xác định được người này có mắc bênh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi phạm tội hay không cần phải được các cơ quan điều tra thực hiện một cách cẩn trọng và hết sức kỹ lưỡng.

Người mắc bệnh tâm thần phạm tội xử lý thế nào?

1. Quy định hiện hành về trách nhiệm hình sự của người mắc bệnh tâm thần khi phạm tội

Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định, người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đã phạm.

Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (tại khoản 1 Điều 206). Nếu kết quả giám định cho thấy người này thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả giám định để đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất.

Đồng thời, theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự hiện hành, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh. Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015.

Lưu ý: Mặc dù có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.

2. Có hay không việc lợi dụng quy định của pháp luật để thoát tội?

Pháp luật hiện hành quy định tình trạng “không có năng lực, trách nhiệm hình sự” là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, đây được xem như là “lỗ hổng” để cho những kẻ phạm tội bằng một cách nào đó tạo ra các giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa việc “giả tâm thần” hòng thoát vòng lao lý.

Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, trong nhiều vụ án, người phạm tội đã lợi dụng lỗ hổng này của pháp luật nhằm thoát tội. Bằng cách “mua” kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giám định để cho mình bị tâm thần, qua đó không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ buộc phải đi chữa bệnh taị cơ sở điều trị chuyên khoa. Sau một thời gian điều trị, họ “bỗng dưng hết bệnh” và được trở về nhà, sống bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Ở khía cạnh này, pháp luật hiện hành cũng đã quy định rõ về việc xử lý đối với những người làm công tác chuyên môn làm giả hồ sơ giám định tâm thần. Tại Điều 382 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định: Người giám định nào mà kết luận gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 1-5 năm;… Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.

Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015. Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.