Người gây ra thiệt hại nhưng không có khả năng bồi thường có phải bồi thường không?

Người gây ra thiệt hại nhưng không có khả năng bồi thường có phải bồi thường không? Khi mức độ thiệt hại có thể lớn tới mức vượt quá khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể đề nghị xem xét để được giảm mức bồi thường thiệt hại. 

Người gây ra thiệt hại nhưng không có khả năng bồi thường có phải bồi thường không?

1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 (BLDS 2015), người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm:

  • Có thiệt hại xảy ra
  • Có hành vi trái pháp luật
  • Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật
  • Yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự

2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 BLDS 2015:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

3. Làm thế nào khi gây thiệt hại mà không đủ khả năng bồi thường?

Khi mức độ thiệt hại có thể lớn tới mức vượt quá khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể đề nghị xem xét để được giảm mức bồi thường thiệt hại. Nhưng, điều này sẽ luôn đi cùng với điều kiện là lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Trong thực tiễn xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, để xác định như thế nào là: “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình” là một vấn đề phức tạp.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà căn cứ để quyết định cho thỏa đáng, tránh trường hợp giảm mức bồi thường quá ít thì không có ý nghĩ thiết thực cho người gây thiệt hại, và ngược lại, không nên giảm mức bồi thường quá nhiều do lo ngại không thể thi hành án được.

Như vậy, không phải trong trường hợp nào người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thiệt hại cũng được giảm mức bồi thường. Người gây thiệt hại phải đảm bảo được hai điều kiện là không có lỗi khi gây ra thiệt hại hoặc do lỗi vô ý mà gây thiệt hại và thiệt hại đó có giá trị quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, họ không có khả năng bồi thường thiệt hại thì họ mới được giảm mức bồi thường thiệt hại.

Khi bạn gây ra thiệt hại nhưng không có khả năng bồi thường mà việc gây ra thiệt hại này không có lỗi của bạn hoặc bạn do lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì bạn có thể thỏa thuận, thương lượng với bên bị thiệt hại hoặc đề nghị tòa án giảm mức bồi thường thiệt hại xuống.

3.1. Thương lượng với bên bị thiệt hại

Pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp gây ra thiệt hại quá lớn với khả năng kinh tế, bên gây thiệt hại có thể thương lượng với bên bị thiệt hại về việc giảm mức bồi thường phù hợp với khả năng của mình.

3.2. Các trường hợp có thể đề nghị Tòa án giảm mức bồi thường

  • Người chịu trách nhiệm bồi thường không có lỗi và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình
  • Bên bị thiệt hại cũng có lỗi
  • Khi tình hình thực tế không còn phù hợp với mức bồi thường (trượt giá, lạm phát,..)

» Trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông