Khó khăn khi thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Khó khăn khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành của SB Law sẽ trả lời biên tập viên Thành Phương về các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiêp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Video phỏng vấn Luật sư Thanh Hà


Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

BTV Thành Phương:
Thưa luật sư, đối với các doanh nghiệp thành lập mới trong nước cần làm thủ tục như thế nào?

Trả lời: Đối với việc thành lập doanh nghiệp trong nước, từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời, thủ tục thành lập doanh nghiệp đã thực sự có một sự cải thiện đáng kể, theo hướng trợ giúp cho doanh nghiệp, đơn giản thủ tục hành chính.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp, công ty có sự điều chỉnh như sau:

– Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau 07 – 09 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở KH&ĐT, Doanh nghiệp nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Doanh nghiệp tiến hành thủ tục khắc dấu pháp nhân tại cơ quan công an. Sau 04 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ tại cơ quan công an, Doanh nghiệp sẽ nhận được con dấu pháp nhân và Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu.

– Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Doanh nghiệp phải đăng trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các loại tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Hồ sơ thành lập công ty 100% vốn trong nước bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh;
– Dự thảo Điều lệ Công ty;
– Danh sách thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập (Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
– Bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân/hộ chiếu của thành viên tham gia góp vốn;
– Bản sao chứng thực chứng chỉ hành nghề (Đối với những ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề);
– Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Đối với những ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định).

BTV Thành Phương:
Có sự khác nhau nào không giữa một doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước nước ngoài khi thành lập công ty tại Việt Nam

Trả lời: Việt Nam hiện nay đã có Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt cơ bản giữa thủ tục thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam và công ty trong nước.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, như tôi đã trình bày ở trên, thủ tục thành lập tương đối đơn giản và thời hạn thành lập cũng tương đối nhanh, chỉ trong vòng 15 ngày làm việc, cơ quan xử lý và cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục thành lập phức tạp hơn, nhà đầu tư phải chú ý vấn đề sau:

Thứ nhất: Nhà đầu tư nước ngoài phải chú ý tới các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, phải thỏa mãn những điều kiện trong cam kết WTO và những văn bản pháp luật của Việt Nam.

Thứ hai: Về cơ quan cấp phép và thủ tục cấp phép
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục và quy trình thành lập phức tap hơn rất nhiều, quy trình thành lập sẽ được chia làm 2 trường hợp, trường hợp đăng ký đầu tư và trường hợp thẩm tra dự án đầu tư.
Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 2: Phụ thuộc vào phạm vi và quy mô của hoạt động kinh doanh. Nếu lĩnh vực kinh doanh thuộc diện phải thẩm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi hồ sơ đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư tới các cơ quan chức năng có liên quan để xin ý kiến. Sau khi tập hợp ý kiến của các cơ quan đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ (nếu có). Doanh nghiệp phải chuẩn bị , soạn thảo những tài liệu để giải trình những vấn đề Cơ quan nhà nước yêu cầu và nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi xem xét, nếu đủ điều kiện cấp phép, Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển hồ sơ đăng ký Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. UBND là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận Đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh luôn.
Bước 4: Thủ tục sau cấp phép:
– Trong vòng 04 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Doanh nghiệp nhận con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu tại cơ quan công an.
– Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đăng ký thuế tại Cơ quan thuế.
– Doanh nghiệp phải đăng trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các loại tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, thủ tục đầu tư sẽ được Ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất tiến hành và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

BTV Thành Phương:
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng để thành lập văn phòng đại diện (VPĐD) của công ty nước ngoài tại Việt Nam còn khó khăn hơn nhiều so với thành lập doanh nghiệp trong nước? Luật sư có thể phân tích những thủ tục này?

Trả lời: Thủ tục thành lập văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam và thủ tục thành lập doanh nghiệp trong nước là hai thủ tục hoàn toàn khác nhau. Như đã phân tích ở trên, thủ tục thành lập doanh nghiệp trong nước sẽ tiến hành ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn thủ tục thành lập VPDD của công ty nước ngoài sẽ tiến hành tại Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi VPĐD đặt trụ sở.

I. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:
a) Là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp;
b) Đã hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân.
2. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.

II. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Thương mại do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
b) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm;
c) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
d) Bản sao Điều lệ hoạt động của thương nhân đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế.

III. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện bao gồm:
a) Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc.
b) Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
c) Nghiên cứu thị trường để thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá, cung ứng và tiêu dùng dịch vụ thương mại của thương nhân mà mình đại diện.
d) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác Việt Nam hoặc liên quan đến thị trường Việt Nam của thương nhân nước ngoài mà mình đại diện.
e) Các hoạt động khác mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Từ những nội dung trên, chúng ta thấy, việc thành lập VPĐD của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam tương đối chặt chẽ. Bản chất hoạt động của VPĐD là chỉ thực hiện chức năng giao dịch, không được tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc thành lập VPĐD còn vướng ở thủ tục đặt địa điểm và vấn đề tài liệu báo cáo tài chính phải có kiểm toán độc lập.

BTV Thành Phương:
Khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp hay gặp phải khó khăn gì và những khó khăn đó xuất phát từ những nguyên nhân nào?

Trả lời: Khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư có những vướng mắc sau:

– Xác định chủ đầu tư:
Vẫn chưa có sự minh bạch trong nhận định thế nào là Nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài.
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến các quy định pháp luật tương ứng khi áp dụng.
Nếu được xem là Nhà đầu tư trong nước thì chỉ mất 5 ngày sẽ xin được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; còn nếu là Nhà đầu tư nước ngoài phải mất tối thiểu 30 ngày.

– Xác định ngành nghề kinh doanh
Có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh ở nước ngoài nhưng chưa có tại Việt Nam. Trong khi theo quy định, Nhà đầu tư phải áp mã ngành kinh doanh theo hệ thống ngành nghề kinh doanh quốc gia hoặc CPC.
Nếu không xác định được Mã để áp thì gần như không thể đăng ký.

– Vấn đề giải trình đáp ứng các điều kiện đầu tư.
Luật đầu tư quy định chỉ thẩm định ở cấp Bộ, song thực tế tại một số điện phương, dù Bộ đã chấp thuận nhưng khi về đến địa phương thì có thêm khâu hỏi ý kiến của các Sở và thường các Sở yêu cầu giải trình thêm. Việc này sẽ gây thêm khó khăn cho nhà đầu tư.

– Về vấn đề địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
Thực tế hiện nay có rất nhiều Tòa nhà khi xây dựng xong nhưng chưa hoàn tất thủ tục xin cấp GCN QSHCT. Khi Nhà đầu tư tiến hành thuê thường không biết việc này vì bên cho thuê cam kết sẽ được chấp nhận của Cơ quan Nhà nước hoặc sẽ hỗ trợ tối đa. Song thự tế DPI đòi hỏi quá nhiều giấy tờ mà gần như không thể đáp ứng.
Từ đó dẫn đến tất cả HS hoàn chình, duy nhất có địa điểm trụ sở không thể đáp ứng và không được cấp phép.
Về vấn đề tiến trình thực hiện góp vốn
Có rất nhiều trường hợp do chậm tiến độ góp vốn vì lý do khách quan nhưng để được góp vốn sau khi phát hiện ra là quá hạn thì rất khó thực hiện.
Sau đó, Sở kế hoạch và đầu tư buộc phải tiến hành thanh tra, phạt vi phạm rồi điều chỉnh GCN Đầu tư kiên quan đến thời hạn góp vốn mới được chuyển vốn. Trong khi đó, UBND luôn kêu gọi nguồn vốn nước ngoài nhưng cách triển khai thì gần như ngăn chặn.

BTV Thành Phương:
Theo Luật sư cần phải có những giải pháp gì giúp tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp người ngoài khi lập văn phòng đại diện (VPĐD) cũng như thành lập mới doanh nghiệp tại nước ta?

Trả lời: Những giải pháp mà tôi khuyến nghị cơ quan nhà nước đó là:
Quy định và hướng dẫn rõ ràng, minh bạch các điều kiện thực hiện dự án, điều kiện thẩm tra năng lực nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục này để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án trên thực tế;
Phát triển quỹ đất cho các dự án đầu tư tại các địa bàn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuê đất cho các nhà đầu tư tại khu công nghiệp;
Rà soát lại các hệ thống ngành nghề kinh doanh và thông báo rộng rãi về các lĩnh vực nhà đầu tư có thể tham gia;
Thực hiện công tác hậu kiểm sau cấp phép vừa để giám sát hoạt động dự án đầu tư vừa để hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Những giải pháp cho các nhà đầu tư là:
Tham vấn các chuyên gia tư vấn pháp lý, tài chính… để nắm được các thủ tục cấp phép cũng như hoạt động của dự án đầu tư tại Việt Nam;
Chuẩn bị hồ sơ năng lực của nhà đầu tư một cách kỹ lưỡng để giải trình với cơ quan nhà nước;
Cân nhắc về thời gian thực hiện trước, trong và sau dự án để đảm bảo thời gian thực hiện dự án được đầy đủ.

» Tư vấn Đầu tư ra nước ngoài

» tư vấn luật dân sự