Khi nào khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can?

Khi nào khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can? Thông thường khi bị Công an mời lên làm việc, lấy lời khai, gia Quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu sau đó người bị tình nghi hoặc người liên quan rất lo lắng, thì câu hỏi đặt ra là khi nào bị khởi tố vụ án, khi nào khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS)?

Mục lục:
I. Khi nào khởi tố vụ án hình sự, khi nào khởi tố bị can?
II. Phân biệt quy định khởi tố vụ án và khởi tố bị can

I. Khi nào khởi tố vụ án hình sự, khi nào khởi tố bị can?

1. Khởi tố vụ án hình sự khi nào?

1.1. Thời điểm khởi tố vụ án:

Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định Điều 143; khoản 1 Điều 432.

“Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.”

1.2. Thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án quy định tại Điều 153 BLTTHS 2015

“Điều 153. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự

1. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.

3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:

a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

4. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.”

Chú ý, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (Khoản 1 Điều 155).

2. Khi nào khởi tố bị can?

2.1. Thời điểm khởi tố bị can

Sau khi thực hiện khởi tố vụ án và có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự 2015 quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

2.2. Căn cứ khởi tố bị can Khoản 1 Điều 179:

“Điều 179. Khởi tố bị can

1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.”

2.3. Thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can

Bao gồm 03 cơ quan sau đây:

Cơ quan điều tra (Khoản 1 Điều 179); Viện kiểm sát (Khoản 4 Điều 179); Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 1 Điều 164).

– Trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.

– Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

II. Phân biệt quy định khởi tố vụ án và khởi tố bị can

Tiêu chí Khởi tố vụ án Khởi tố bị can
Đối tượng khởi tố Khởi tố về hành vi có dấu hiệu phạm tội. Khởi tố người hoặc pháp nhân có hành vi phạm tội cụ thể.
Căn cứ khởi tố Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

Tố giác của cá nhân;

Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

Người phạm tội tự thú.

(Điều 143 Bộ luật TTHS 2015)

Sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra vụ án. Từ đó, nếu có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị bị can. Quyết định khởi tố bị can phải được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra.

(Điều 179 Bộ luật TTHS 2015)

Thẩm quyền ra quyết định khởi tố Có 04 cơ quan:

– Cơ quan điều tra;

– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

– Viện kiểm sát;

– Hội đồng xét xử.

Có 03 cơ quan:

– Cơ quan điều tra;

– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

– Viện kiểm sát.

Các giai đoạn ra quyết định khởi tố Có 04 giai đoạn có thể khởi tố:

– Giai đoạn khởi tố;

– Giai đoạn điều tra;

– Giai đoạn truy tố;

– Giai đoạn xét xử.

(Điều 153 Bộ luật TTHS 2015)

Có 02 giai đoạn có thể khởi tố:

– Giai đoạn điều tra;

– Giai đoạn truy tố.

(Điều 179 Bộ luật TTHS 2015)

 

Kết thúc khởi tố Thời điểm kết thúc của giai đoạn khởi tố vụ án được tính từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (trong trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm), hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự (khi xác định không có dấu hiệu tội phạm). Khởi tố bị can không phải là giai đoạn tố tụng mà chỉ là hành vi tố tụng tại giai đoạn điều tra của người có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can khi đã xác định được một người cụ thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự, cần phải tiến hành các hoạt động điều tra đối với họ theo quy định của pháp luật TTHS

» Quy trình khởi tố vụ án hình sự

» Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại