Vụ việc dân sự có dấu hiệu hình sự, nên chọn cách nào?

Vụ việc dân sự có dấu hiệu hình sự, nên chọn cách nào? Với vụ việc dân sự có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự là những vụ việc mà một chủ thể vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì phát hiện chủ thể đó có dấu hiệu đã bỏ trốn… Trong những trường hợp như thế, nếu được lựa chọn làm người tư vấn về mặt pháp lý cho chủ thể có quyền (người cho vay, cho mượn hoặc được bên kia thực hiện nghĩa vụ về tài sản), cần làm như thế nào để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể đó.

Một số giải pháp có thể cân nhắc lựa chọn như sau:

Thứ nhất, tố giác tội phạm hình sự. Rõ ràng, một trong các giải pháp mà chủ thể có quyền có thể thực hiện đó là gửi đơn tố giác tội phạm tới cơ quan điều tra có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu vi phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Việc chứng minh chủ thể có nghĩa vụ có thực sự bỏ trốn hay không, việc bỏ trốn có phải nhằm chiếm đoạt tài sản hay không, trên cơ sở đó có cấu thành tội phạm Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không, là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp vụ án được truy tố, xét xử thì chủ thể có quyền có thể nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự trong vụ án hình sự.

Song, cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng về việc khi nào, trong điều kiện như thế nào thì lựa chọn giải pháp này. Bởi, lợi ích và mục đích mà chủ thể có quyền cần đạt được trong trường hợp này là gì? Trước nhất đó phải là việc thu hồi lại được giá trị vật chất mà chủ thể có nghĩa vụ đã vi phạm. Theo đó, trên cơ sở lợi ích của chủ thể có quyền, thì giải pháp này có nhiều hạn chế.

Thứ hai, khởi kiện vụ án dân sự. Đương nhiên, trên cơ sở quan hệ vay, mượn tài sản, quan hệ hợp đồng giữa các bên, thì việc chủ thể có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền khi chủ thể có nghĩa vụ đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

Song, với việc chủ thể có nghĩa vụ đang có dấu hiệu bỏ trốn, nghĩa là về mặt thực tế là đang không có mặt tại nơi cư trú, thì giải pháp này cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Rủi ro trong việc xác định nơi cư trú của người bị kiện.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi, bổ sung năm 2011 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn tòa án giải quyết vụ việc dân sự phải có điều kiện, thì tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khi điều kiện đó xảy ra. Ví dụ: điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy định: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Như vậy, chỉ trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn mới có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết. Theo đó, trường hợp chủ thể có nghĩa vụ có dấu hiệu bỏ trốn, chủ thể có quyền không biết người đó đang cư trú ở đâu, có thể thực hiện việc khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với việc chủ thể có nghĩa vụ có dấu hiệu bỏ trốn, không xác định được đang ở đâu, thì việc giải quyết vụ án tại tòa án có nhiều bất lợi cho chủ thể có quyền. Dưới đây xem xét hướng dẫn của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh H. đối với việc này để làm rõ:

Trong trường hợp khi nhận đơn khởi kiện mà người khởi kiện đã ghi đầy đủ cụ thể, đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu khởi kiện của họ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì các đơn vị phải thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Sau khi thụ lý vụ án, tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú hoặc hoạt động tại địa chỉ mà người khởi kiện cung cấp thì tùy từng trường hợp sẽ xử lý như sau:

1. Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho tòa án nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ, tòa án tiến hành thụ lý giải quyết theo thủ tục chung theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Được coi là không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú là trường hợp thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc nhiều lần mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho tòa án nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người khởi kiện.

3. Trường hợp sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ mà vẫn không xác định được người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện đang ở đâu, phía nguyên đơn cũng không cung cấp được địa chỉ nào khác của bị đơn và không chứng minh được bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú nhằm mục đích cố tình giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì áp dụng điểm i khoản 1 Điều 192 và khoản 1 Điều 168 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện”.

Liệu hướng dẫn này của TAND tỉnh H. có phải là một sự “đánh đố” đối với chủ thể có quyền? Bởi chủ thể có quyền phải chứng minh được rằng chủ thể có nghĩa vụ đang có “mục đích giấu địa chỉ, nhằm trốn tránh nghĩa vụ…” thì vụ án mới được tòa án giải quyết, còn nếu không chứng minh được mục đích này thì tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Về nguyên tắc thì đương sự “có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp” (Điều 6 BLTTDS). Nhưng chứng minh điều gì và chứng minh đến đâu thì cũng cần xem xét bản chất của vấn đề. Xét về mặt thực tế, chủ thể có quyền chỉ có thể biết và cung cấp chứng cứ về việc chủ thể có nghĩa vụ đang không hiện diện tại nơi cư trú trong một thời gian. Còn việc chủ thể có nghĩa vụ đang “cố tình giấu địa chỉ” hay không, có mục đích “trốn tránh nghĩa vụ” hay không lại là yếu tố chủ quan, chủ thể có quyền không có đủ công cụ phương tiện, hay các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để chứng minh được yếu tố này. Hơn thế, chủ thể có quyền cung cấp được các tài liệu chứng cứ về việc chủ thể có nghĩa vụ có dấu hiệu bỏ trốn (bằng thực tế là chủ thể đó đang không hiện diện tại nơi cư trú trong một thời gian, không có cách nào liên lạc được) và việc quyền lợi của mình đang bị chủ thể đó xâm phạm, thì xét thấy cũng đủ cơ sở để chứng minh cho yêu cầu của mình (giả định rằng yêu cầu chỉ nhằm mục đích buộc chủ thể có nghĩa vụ phải bồi thường hay thực hiện nghĩa vụ…). Cho nên, việc tòa án yêu cầu chủ thể có quyền phải chứng minh rằng chủ thể có nghĩa vụ “có mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ” là không khả thi và “làm khó” cho đương sự. Thậm chí, trường hợp chủ thể có quyền có thể chứng minh được các mục đích này, thì liệu tòa án có tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 4 Điều 189 BLTTDS vì vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự?

Mặt khác, theo hướng dẫn tại mục 3 được trích dẫn trên đây, tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện theo khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Câu hỏi đặt ra là căn cứ theo điểm nào của khoản 1 Điều 168 BLTTDS? Trên cơ sở phép loại trừ, hai căn cứ mà tác giả cho là có thể phù hợp để áp dụng trong trường hợp này là điểm đ (chưa có đủ điều kiện khởi kiện) và điểm e (vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của toàn án) khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Xét về thẩm quyền xét xử, như đã nêu trên đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP thì trường hợp chủ thể có nghĩa vụ có dấu hiệu bỏ trốn, chủ thể có quyền có thể thực hiện việc khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản. Theo đó, nếu chủ thể có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản, thì vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án đó, nên việc trả lại đơn khởi kiện căn cứ theo điểm e là không thỏa đáng. Xét về điều kiện khởi kiện, thì các điều kiện khởi kiện đối với một vụ án dân sự thông thường gồm điều kiện về chủ thể khởi kiện, điều kiện về thời hiệu khởi kiện và điều kiện về các tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện cung cấp để chứng minh cho yêu cầu của mình. Những yếu tố này đều phải xem xét trên cơ sở từng vụ việc cụ thể. Song, nếu vì lý do người khởi kiện không biết được người bị kiện hiện đang ở đâu, lại cũng không chứng minh được mục đích giấu địa chỉ, mục đích trốn tránh nghĩa vụ của người bị kiện, mà tòa án trả lại đơn khởi kiện theo căn cứ “chưa đủ điều kiện khởi kiện” thì thực sự không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Những phân tích trên đây nhằm làm rõ rằng, khi chủ thể có nghĩa vụ có dấu hiệu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, thì việc chủ thể có quyền thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cũng không hề dễ dàng. Vấn đề đặt ra là, khi nào và trong điều kiện như thế nào thì áp dụng giải pháp này?

Thứ ba, yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự. Theo tác giả, nếu vụ việc có hai “điền kiện cần” như sau thì chủ thể có quyền có thể gửi đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự theo quy định của pháp luật: (1) chủ thể có nghĩa vụ là cá nhân đã vắng mặt khỏi nơi cư trú sáu tháng liền trở lên; (2) xác định được chủ thể có nghĩa vụ có tài sản có thể được dùng để thanh toán nghĩa vụ. Theo đó, chủ thể có quyền có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú đối với chủ thể có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự, đồng thời yêu cầu tòa án giao tài sản của người vắng mặt cho một trong các chủ thể theo Điều 75 Bộ luật Dân sự quản lý và có quyết định về việc người quản lý tài sản “thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó” theo quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Dân sự.

Nếu vụ việc thỏa mãn hai “điều kiện cần” đã nêu ở trên thì đây là một giải pháp khả thi. Song, không có nghĩa là giải pháp này không chứa đựng những rủi ro. Một trong những rủi ro có thể kể đến, đó là việc chủ thể có nghĩa vụ lại có nhiều khoản nợ khác nhau với các chủ nợ khác nhau. Khi đó, nếu các chủ nợ đó cùng có yêu cầu về việc thanh toán, thì thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ là vấn đề được tòa án xem xét để có quyết định phù hợp.

Từ những phân tích trên đây, theo quan điểm của tác giả, đối với một số vụ án có dấu hiệu hình sự như tình huống đã đặt ra trong phần mở đầu của bài viết, thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể có quyền, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo pháp luật hình sự không phải là giải pháp tối ưu. Nếu có thể, thì việc yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự là khả thi hơn cả; còn việc khởi kiện vụ án dân sự chỉ là giải pháp “còn nước còn tát”.

Nguồn: LĐLSVN

» Luật sư tư vấn tội xâm phạm sở hữu tài sản

» Luật sư tư vấn luật dân sự