Vật quyền, quyền được thực hiện trực tiếp trên vật

Trong Dự thảo BLDS sửa đổi (gọi tắt là dự thảo) có đưa vào những khái niệm mới như “địa dịch”, “vật quyền”…

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết:- Việc đưa những khái niệm trên vào Dự thảo đã có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, cải tổ chế độ pháp lý về tài sản là điều cần thiết để vừa đưa pháp luật dân sự Việt Nam tiệm cận với các hệ thống pháp luật tiên tiến, vừa cải thiện tính khả thi của luật. Do Việt Nam chưa đủ sức tự xây dựng học thuyết riêng nên việc tìm kiếm một mô hình đã có sẵn và đang vận hành tốt để vận dụng vào hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam là giải pháp tốt nhất.

– PV: Việc áp dụng lý thuyết vật quyền trong dự thảo liệu có gây khó hiểu cho người dân?

– Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Vận dụng lý thuyết vật quyền vào luật Việt Nam có thể làm xuất hiện những thuật ngữ mới lạ gây khó khăn cho việc tiếp cận, nắm bắt nội dung của luật, song đây chỉ là khó khăn tạm thời. Cùng với đó, chế định cơ bản của pháp luật tài sản – quyền sở hữu, được xây dựng trong luật Việt Nam hiện hành, mang đầy đủ các yếu tố đặc trưng của vật quyền được thừa nhận trong luật của một số nước phát triển. Do vậy, việc áp dụng lý thuyết vật quyền sẽ không dẫn đến những xáo trộn lớn.

– Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm vật quyền?

– Vật quyền được hiểu là quyền được thực hiện trực tiếp trên vật. Người có vật quyền thực hiện quyền của mình mà không cần sự hợp tác, hỗ trợ của người khác, kể cả người đang nắm giữ tài sản. Tất cả mọi người, kể cả người đang nắm giữ tài sản với tư cách là chủ sở hữu, phải tôn trọng quyền của người có vật quyền đối với tài sản.

Vật quyền có thể được chia thành hai nhóm: vật quyền chính và vật quyền phụ. Vật quyền chính bao gồm những quyền trực tiếp tác động lên bản thể vật lý của tài sản, đứng đầu nhóm này là quyền sở hữu. Vật quyền phụ bao gồm những quyền cho phép người có quyền tác động không phải vào bản thể của tài sản mà vào giá trị kinh tế của tài sản. Các vật quyền này hình thành từ các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ bằng tài sản, như cầm cố, thế chấp.

– Hiện có không ít người băn khoăn rằng: Liệu có thể tạo ra một vật quyền trên cơ sở hợp đồng giữa các bên (cùng với các vật quyền đã được pháp luật quy định) trong các quan hệ dân sự?

– Về mặt lý thuyết, một quyền mang đầy đủ các đặc tính của vật quyền thì sẽ được gọi là vật quyền. Bởi vậy, nếu các bên đạt được một thoả thuận về việc tạo ra một quyền không giống bất kỳ vật quyền nào được luật quy định, nhưng có đủ các tính chất của vật quyền, thì sẽ có một vật quyền mới xuất hiện. Song  điều đó chỉ trở thành hiện thực khi có sự tôn trọng của tất cả mọi người đối với quyền được tạo ra. Chỉ có Nhà nước mới có quyền dùng luật pháp để áp đặt cách ứng xử đối với các cá nhân. Các bên vẫn có quyền thoả thuận để tạo ra một quyền được thực hiện trực tiếp trên vật, nhưng thoả thuận này không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba đối với vật đó. Do đó, nó chỉ là vật quyền ảo.

– Có quan điểm cho rằng nên bỏ hẳn sự thừa nhận quyền chiếm hữu như là một phần nội dung của quyền sở hữu trong Dự thảo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Tôi đồng ý với quan điểm trên, bởi nguy cơ lẫn lộn giữa hai khái niệm này trong dự thảo là rất lớn. Trong BLDS năm 2005, quyền chiếm hữu được nhìn nhận như là một phần nội dung của quyền sở hữu, quyền chiếm hữu lại có thể làm phát sinh hiệu lực như quan hệ chiếm hữu thực tế (quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức của người chiếm hữu ngay tình…). Chiếm hữu trong luật thực định phải có nguồn gốc pháp lý được xác định, nguồn gốc chiếm hữu phải hợp pháp thì bản thân nó mới được thừa nhận và bảo vệ khi bị xâm hại. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là nguồn gốc hợp pháp lại chưa được làm rõ. Do đó, để hoàn thiện chế định chiếm hữu cần loại bỏ quyền chiếm hữu ra khỏi nội dung của quyền sở hữu.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa trả lời trên anninhthudo.vn