Tội làm nhục người khác được quy định như thế nào?

Tội làm nhục người khác được quy định như thế nào theo BLHS 2015? Làm nhục người khác được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Người có hành vi làm nhục người khác thì sẽ bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Luật sư tư vấn về tội làm nhục người khác

» Phân biệt tội làm nhục người khác và tội vu khống

1. Tư vấn về tội làm nhục người khác

1.1. Tội làm nhục người khác được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 BLHS:

Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

1.2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

a. Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới các hình thức sau đây:
+ Thể hiện bằng lời nói: Như sỉ nhục, xóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác.
+ Thể hiện bằng việc làm: Như có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu rếu.
Đặc trưng của hành vi nêu trên thường là diễn ra trực tiếp, công khai và trước nhiều người.
Lưu ý:
  • Người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục nhưng có người lại thấy bình thường. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình… Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.
  • Người phạm tội quy định tại Khoản 1 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố.
b. Khách thể:
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
c. Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại.
d. Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về hành vi này do không thuộc trường hợp quy định tại Điểu 12 BLHS về các hành vi mà người ở độ tuổi này phải chịu trách nhiệm.
Hình phạt:
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 3 khung, cụ thể như sau:
– Khung 1 (khoản 1)
Có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
– Khung 2 (khoản 2)
Có mức phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%
– Khung 3 (khoản 3)
Có mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Được áp dụng trong các trường hợp phạm tội sau:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
+ Làm nạn nhân tự sát.
– Hình phạt bổ sung
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

2. Hành vi làm nhục người khác bị xử phạt hành chính

Hành vi làm nhục người khác thì tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Đối với mức phạt hành chính đối với hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội thì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

Cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

» Luật sư tư vấn luật hình sự

» Dịch vụ nộp đơn tố cáo với hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự

Luật sư tư vấn, tham gia bảo vệ bại can, bị cáo, người bị hại trong vụ việc làm nhục người khác: