So sánh tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ

So sánh tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ.
Hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ đều xâm hại một loại khách thể đó là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, qua đó làm giảm uy tín của các cơ quan, tổ chức.

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 289 và tội làm môi giới hối lộ được quy định tại Điều 290 BLHS 1999 thuộc Chương XXI – Các tội phạm về chức vụ. Chương XXI được chia thành 2 mục: Mục A – Các tội phạm về tham nhũng; Mục B – Các tội phạm khác về chức vụ. Mặc dù cùng là các tội phạm về hối lộ nhưng tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ được xếp ở Mục B, còn tội nhận hối lộ Điều 279 lại đặt ở Mục A. Điều này có nghĩa các nhà làm luật chỉ coi tội nhận hối lộ là tội phạm về tham nhũng, còn hai tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ không phải là các tội phạm về tham nhũng.

Tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của một người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đưa một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tội làm môi giới hối lộ là hành vi cố ý làm trung gian giúp người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thỏa thuận về việc người nhận hối lộ thực hiện một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ để đổi lấy một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện.

Từ khái niệm pháp lý trên, có thể thấy một số điểm giống và khác nhau cơ bản của hai tội phạm này:

1- Điểm giống nhau:

  • Hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ đều xâm hại một loại khách thể đó là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, qua đó làm giảm uy tín của các cơ quan, tổ chức này.
  • Chủ thể của hai tội phạm này đều có thể là bất kỳ người nào đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự.
  • Đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

2- Điểm khác nhau

Điểm khác nhau của hai tội phạm này ở mặt khách quan:

  • Hành vi đưa hối lộ chỉ được gọi tên tại Điều 289: Người nào đưa hối lộ…. Như vậy, hành vi ở đây chỉ gồm có hành vi đưa của hối lộ chứ chưa bao gồm các hành vi gợi ý đưa, hứa đưa của hối lộ. Hành vi đưa của hối lộ đó có thể được thực hiện dưới bất kể hình thức nào, có thể do người đưa hối lộ trực tiếp đưa hoặc đưa qua người làm môi giới, có thể đưa trao tay có thể gửi qua các dịch vụ chuyển gửi… Theo quy định này, tội đưa hối lộ chỉ cấu thành khi người đưa hối lộ đó có hành vi đưa của hối lộ. Điều này đã thể hiện sự không thống nhất với Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ vì được xác định là hành vi đã nhận hoặc sẽ nhận của hối lộ.
  • Hành vi làm môi giới hối lộ được Điều 280 BLHS nêu tên: Người nào làm môi giới hối lộ… Như vậy, người làm môi giới hối lộ chỉ cần truyền đạt thỏa thuận hối lộ giữa các bên đưa hối lộ và nhận hối lộ là tội phạm đó hoàn thành. Tuy nhiên, trong thực tiễn, do mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa tội làm môi giới hối lộ với tội đưa hối lộ và nhận hối lộ nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này phải tương ứng với thời điểm hoàn thành hai tội phạm trên mới chính xác. Tính chất nguy hiểm của hành vi làm môi giới hối lộ chỉ thể hiện khi có hành vi hối lộ (đưa hoặc nhận hối lộ).
    Hành vi làm môi giới hối lộ còn có đặc điểm là nó được chủ thể (người môi giới) thực hiện một cách khách quan, theo sự yêu cầu của các bên, thể hiện vai trò làm cầu nối của chủ thể đối với việc đưa và nhận hối lộ. Hành vi làm môi giới chủ yếu nhằm giúp các bên đi đến thỏa thuận hối lộ chứ không can thiệp vào nội dung thỏa thuận. Nếu người thực hiện vai trò trung gian hối lộ xuất phát từ lập trường chủ quan của mình (không phải do yêu cầu của người đưa hoặc nhận hối lộ) thì đó là người đồng phạm đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ chứ không phải người làm môi giới hối lộ.

» Các yếu tố lỗi trong luật hình sự

» Luật sư tư vấn hình sự