Quyết định hình phạt trong trường hợp đặc biệt

Quyết định hình phạt trong trường hợp đặc biệt. Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, chúng ta cần lưu ý vấn đề quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt sau để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật hình sự đối với người phạm tội, cụ thể:

Quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt

1. Quyết định hình phạt nhẹ hơn so với quy định của Bộ luật (Điều 54):

Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Từ quy định trên có thể rút ra kết luận về giới hạn mức thấp nhất của khung hình phạt như sau:

  + Tới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt áp dụng;

  + Hoặc dưới mức thấp nhất của khung áp dụng hoặc chuyển sang khung hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn nếu khung hình phạt áp dụng là khung hình phạt duy nhất của điều luật hoặc là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật.

2. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 57):

Căn cứ tại Điều 57 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, như sau:

1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội luôn mong muốn thực hiện được tội phạm đến cùng để đạt được mục đích đã đặt ra. Tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp người phạm tội dừng thực hiện tội phạm của mình ở những thời điểm nhất định do gặp phải nguyên nhân khách quan cản trở. Việc chấm dứt thực hiện tội phạm khi chưa hoàn thành được có thể sảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Thực tế, phải quy định như Điều 57 là vì giữa hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và trường hợp tội phạm hoàn thành của loại tội nhất định cũng như giữa các trường hợp chuẩn bị phạm tội, giữa các trường hợp phạm tội chưa đạt với nhau có sự khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội do có sự khác nhau về các tình tiết khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng. Do đó, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng được coi là hai căn cứ bổ sung bên cạnh căn cứ chung là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

3. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm (Điều 58):

Căn cứ tại Điều 58 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, như sau:

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Như vậy, các điểm lưu ý khi quyết định hình phạt đối với trường hợp này:

+ Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án còn phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người đồng phạm vì tính chất của đồng phạm có ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm chung; còn tính chất và mức độ tham gia của từng đồng phạm là yếu tố ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mỗi người đồng phạm.

Tính chất tham gia được quyết định bởi vai trò của người đồng phạm, tác dụng của họ đến hoạt động chung của vụ đồng phạm. Thông thường, người tổ chức và người xúi giục có vai trò nguy hiểm hơn cả, hoặc có trường hợp người thực hành cũng bị coi là có vai trò nguy hiểm nếu như đã có những hoạt động đắc lực.

+ Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó. Đó là các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội như: tái phạm nguy hiểm, là người thành niên phạm tội… hoặc là những tình tiết khác liên quan đến cá nhân từng người đồng phạm như: phạm tội với động cơ đê hèn hay phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do tự mình gây ra..

» Luật sư bào chữa vụ án hình sự

» Căn cứ quyết định hình phạt