Quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

Quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Chương XXXIII, gồm 15 Điều về các nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

Quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Về khiếu nại và thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

– Về chủ thể khiếu nại: BLTTHS quy định 03 loại chủ thể có quyền khiếu nại sau:

+ Cơ quan

+ Tổ chức

+ Cá nhân

Khoản 1, Điều 469: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

– Về thời hiệu khiếu nại:

+ Khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng và cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu.

+ Khiếu nại lần hai là 03 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nai.

Lưu ý: Trường hợp biết được mà không phải nhận được quyết định giải quyết khiếu nại thì không phải là căn cứ tính thời hiệu.

– Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

Bộ luật tố tụng hình sự quy định các chủ thể sau có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, gồm:

+ Viện trưởng VKSND các cấp

+ Chánh án Tòa án nhân dân các cấp

+ Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra

+ Cấp trưởng Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

 Trong đó:

 + Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố do Viện trưởng VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án đó giải quyết (Điều 474).

+ Khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử do Chánh án Tòa án nhân dân giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết  lần đầu, Viện trưởng VKSND cùng cấp giải quyết lần hai trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra bị khiếu nại (Điều 475).

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do cấp trưởng cơ quan được được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết lần đầu. Viện trưởng VKSND cùng cấp giải quyết lần hai trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của cấp trưởng bị khiếu nại.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu bị khiếu nại (Điều 476).

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.

Lưu ý:

  1. a)  Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết
  2. b) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao giải quyết

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu giải quyết (Điều 477).

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án cấp cao giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.

+  Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương giải quyết.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán và Thẩm tra viên công tác tại Tòa án quân sự trung ương, Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương giải quyết.

2. Về tố cáo và giải quyết tố cáo

– Người có quyền tố cáo: Tất cả mọi công dân.

– Về hình thức tố cáo: Người tố cáo có thể gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền.

– Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Tuân thủ nguyên tắc người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

Tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trường hợp tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì giải quyết theo quy định tại Điều 145 BLTTHS.

3. Về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới.

Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

+ Ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo

+ Kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới, thông báo kết quả cho Viện kiểm sát.

+ Cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.

– Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới.

– Ban hành kết luận kiểm sát; thực hiện quyền kiến nghi, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có thể thấy một số điểm mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:

Một là, Mở rộng chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng.
Ngoài chủ thể đã được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng như trong Bộ luật TTHS năm 2003 đã quy định thì Bộ luật TTHS năm 2015 đã mở rộng thêm các chủ thể là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người chứng kiến; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 57,58,67,70,83,84 BLTTHS).

Hai là, Bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Phó Viện trưởng VKS

Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn: giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS. Ngoại trừ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định của chính mình. (Điều 41)

Ba là, Phân định phạm vi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo chương XXXIII của BLTTHS

Đối với khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn không được giải quyết theo chương XXXIII cho nên khi giải quyết không phải ban hành quyết định giải quyết, mà chỉ ban hành văn bản trả lời dạng công văn. Tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng đang thực hiện để xem xét trả lời và hướng dẫn người khiếu nại; nếu vụ án đã xét xử thì VKS hướng dẫn người khiếu nại làm đơn kháng cáo (bản án chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (bản án đã có hiệu lực pháp luật); việc trả lời và hướng dẫn chỉ thực hiện một lần. Đơn vị thụ lý giải quyết vụ án có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu tới lãnh đạo VKS giải quyết khiếu nại trên (Điều 469).

Bốn là , Quy định rõ hơn về chủ thể ban hành quyết định tố tụng và chủ thể có hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại

Chủ thể của quyết định tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra; chủ thể của hành vi tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (có 3 chủ thể mới là: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên (Điều 470).

Năm là, Đối với khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam

Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn quy định thẩm quyền giải quyết của VKS đối với khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam và bổ sung thêm thẩm quyền của VKS giải quyết khiếu nại việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã chỉ rõ việc giải quyết các khiếu nại trên chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố (Điều 474). Ngoài việc các lệnh, quyết định trong tạm giữ, tạm giam có thể bị khiếu nại thì các hành vi thực hiện các lệnh, quyết định đó cũng có thể bị khiếu nại; đồng thời pháp luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại và thời hạn giải quyết của VKS tối đa là 3 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại (Điều 474).

Sáu là, Quy định thời hạn khiếu nại lần 2. Để tránh tình trạng người khiếu nại khi không đồng ý kết quả giải quyết lần 1, có thể khiếu nại lên cấp trên bất cứ lúc nào vì Bộ luật TTHS 2003 không quy định thời hạn khiếu nại lần 2. Bộ luật TTHS 2015 đã quy định rõ nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết (Điều 474).

Bảy là,  Thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Bộ luật TTHS năm 2003 không quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (Điều 475).

Tám là, Quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của VKSND cấp cao

Cùng với việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, pháp luật TTHS năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết của VKSND cấp cao đối với quyết định, hành vi tố tụng; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử (điểm b khoản 3 Điều 476).

Chín là, về tố cáo trong tố tụng hình sự, Bộ luật TTHS năm 2015 không khác nhiều so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên có một số điểm mới là: chủ thể tố cáo được mở rộng hơn “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Trước đây chỉ có công dân mới có quyền tố cáo. Với quy định của BLTTHS năm 2015 thì kể cả người nước ngoài cũng có quyền tố cáo. Một điểm khác nữa là người tố cáo và người bị tố cáo có quyền được nhận quyết định giải quyết tố cáo. Như vậy, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định giải quyết tố cáo (Điều 479,480).

theo phòng 12 vksndthainguyen.gov.vn

» Khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự