Kiểm sát việc yêu cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Kiểm sát việc yêu cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Hiện nay, các vụ án hình sự mà bắt buộc phải tiến hành định giá tài sản để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự.… xảy ra rất nhiều và thuộc nhiều nhóm tội phạm khác nhau, như: nhóm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại, hư hỏng; các tội về xâm phạm trật tự công cộng, an toàn giao thông… Trong các vụ án trên, thì kết quả định giá tài sản có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hay không khởi tố, truy tố, xét xử đối với bị can, bị cáo và là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm dân sự giữa các bên liên quan trong vụ án.

Trong thời gian qua, mặc dù việc ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản của các Cơ quan tiến hành tố tụng, việc định giá của Hội đồng định giá (HĐĐG) tài sản trong Tố tụng hình sự cũng như công tác kiểm sát các hoạt động nói trên của các Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã được các đơn vị quan tâm chú trọng, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng quy định của pháp luật; các quyền, lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong vụ án được bảo vệ. Tuy nhiên, ở một số vụ án, công tác kiểm sát đối với việc ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan điều tra (CQĐT) và việc định giá tài sản của HĐĐG tài sản trong tố tụng hình sự chưa được các đơn vị VKSND cấp huyện quan tâm đúng mức, không đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Các dạng vi phạm chủ yếu như:

– Vi phạm của CQĐT khi yêu cầu định giá tài sản:

+ Nêu thông tin về tài sản cần giám định còn sơ sài, không rõ đặc điểm, chủng loại; hiện tài sản còn hay không còn; đã qua sử dụng hay chưa; Các tài liệu có liên quan gửi HĐĐG thường không ghi hoặc ghi không đầy đủ theo đúng quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS);

+ Không nêu thời hạn định giá theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 215 BLTTHS;

+ Xác định thời điểm để tính giá trị thiệt hại của tài sản không chính xác (không đúng thời điểm tài sản bị chiếm đoạt, hư, hỏng…).

– Vi phạm của HĐĐG tài sản:

+ Biên bản phiên họp định giá tài sản lập không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là các mục: Kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; Ý kiến của các thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; Kết quả biểu quyết của HĐĐG về giá của tài sản, theo quy định tại các điểm d, đ, e khoản 2 Điều 19, Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ;

+ Biên bản phiên họp định giá không ghi rõ ràng, chi tiết từng bộ phận tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng và xác định cụ thể giá trị của từng bộ phận bị hủy hoại hoặc hư hỏng đó, mà chỉ xác định tổng giá trị thiệt hại của các bộ phận…

Những vi phạm trên đã phần nào gây khó khăn cho các Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn, dẫn đến nhiều vụ án phải kéo dài thời hạn giải quyết một cách không cần thiết, do phải trưng cầu định giá bổ sung, định giá lại hoặc yêu cầu giải thích kết luận định giá…

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến tài sản thiệt hại phải định giá trong thời gian tới, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các VKSND cấp huyện trên địa bàn tỉnh trong công tác kiểm sát việc yêu cầu định giá tài sản của các Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; việc định giá của HĐĐG tài sản trong tố tụng hình sự cũng như việc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong vụ án. Ngày 25/3/2019, Phòng 7 đã tham mưu Lãnh đạo VKSND tỉnh Đăk Lăk ban hành Công văn số 182/VKS-P7 yêu cầu Viện trưởng VKSND các huyện, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đạo các cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị phải tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ, nhằm kiểm sát chặt chẽ các hoạt động nêu trên. Cụ thể:

1. Đối với hoạt động yêu cầu định giá tài sản của CQĐT:

– Khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm hoặc thông tin về vụ việc mà phải định giá tài sản để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự…vv… do CQĐT chuyển đến, thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải chủ động đưa ra yêu cầu điều tra, trong đó đặc biệt chú ý:

+  Yêu cầu CQĐT thu giữ đầy đủ và bảo quản các tang vật là tài sản cần định giá theo đúng quy định của pháp luật; thu thập đầy đủ các tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài sản cần định giá, như: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu; giấy tờ mua-bán tài sản; kiểm định; thế chấp; Biên bản khám nghiệm tài sản, phương tiện…

+ Yêu cầu CQĐT nhanh chóng tiến hành ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản để làm căn cứ xử lý vụ việc.

– Văn bản yêu cầu định giá tài sản phải đảm bảo đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 215 BLTTHS, trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung yêu cầu định giá phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết đối với từng loại tài sản, từng bộ phận của tài sản bị hư, hỏng, mất mát..vv…, trên cơ sở đó mới yêu cầu xác định tổng giá trị của tài sản cần định giá, tránh nêu chung chung. Đồng thời, phải đảm bảo nội dung yêu cầu định giá phù hợp với khả năng chuyên môn của HĐĐG ở địa phương.

– Kiểm sát chặt chẽ việc CQĐT xác định thời điểm cần định giá của tài sản, theo đúng nguyên tắc: Giá trị tài sản định giá là giá trị tại thời điểm tài sản đó bị chiếm đoạt, bị xâm hại, chứ không phải là thời điểm bị can, bị cáo có được tài sản hoặc thời điểm CQĐT thu giữ hay tại thời điểm diễn ra hoạt động định giá của HĐĐG.

– Kiểm sát chặt chẽ việc giao, nhận tài sản cần định giá và các tài liệu liên quan kèm theo giữa CQĐT và HĐĐG, đảm bảo giao đúng quy định và đầy đủ theo yêu cầu của HĐĐG tài sản;

– Trong trường hợp cần thiết (ví dụ: tài sản định giá có giá trị lớn; có nhiều loại tài sản cần định giá; tài sản là hàng cấm; hàng hóa không phổ biến trên thị trường, không quy định trong bảng giá của Nhà nước; việc xác định chất lượng còn lại của tài sản gặp khó khăn; tài sản định giá không còn hoặc bị thất lạc…vv…), thì tùy từng trường hợp Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên để cùng tham dự phiên họp định giá tài sản của HĐĐG tài sản và đưa ra ý kiến, theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTHS.

2. Đối với hoạt động định giá tài sản của HĐĐG tài sản:

– Kiểm sát chặt chẽ thành phần HĐĐG tài sản, đảm bảo tất cả các thành viên của HĐĐG phải không thuộc các trường hợp không được tham gia định giá tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 69 BLTTHS và Điều 13 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).

Để thực hiện được điều này, yêu cầu Kiểm sát viên phải nắm đầy đủ danh sách các thành viên của HĐĐG thường xuyên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc, đối chiếu với thực tế giải quyết của vụ việc để xác định họ có thuộc trường hợp phải từ chối tham gia định giá hay không. Nếu họ thuộc trường hợp không được tham gia định giá nhưng không từ chối tham gia, thì phải cương quyết yêu cầu thay đổi thành phần HĐĐG.

Khi kiểm sát cần lưu ý quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, đó là: “ Đối với cùng một tài sản được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá, trường hợp Hội đồng định giá thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản này thì không thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc theo quy định tại Điều 6 Nghị định này”. Tức là, đối với tài sản cần định giá thuộc phạm vi và khả năng chuyên môn của HĐĐG thường xuyên đã được thành lập rồi, thì sẽ do HĐĐG thường xuyên thực hiện và không được thành lập HĐĐG theo vụ việc để định giá đối với loại tài sản đó.

– Trong trường hợp HĐĐG tài sản từ chối định giá, thì phải kiểm tra kỹ các lý do từ chối của HĐĐG có đúng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 69 BLTTHS và điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP hay không? (Nếu đúng, thì yêu cầu CQĐT thay đổi thời gian, bổ sung tài liệu hoặc trưng cầu HĐĐG khác; nếu không đúng thì yêu cầu CQĐT ban hành văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc, để yêu cầu HĐĐG thực hiện việc định giá tài sản theo quy định của pháp luật).

Nếu thành viên HĐĐG từ chối giám định mà không thuộc trường hợp phải từ chối giám định theo quy định tại khoản 5 Điều 69 BLTTHS và Điều 13 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP hoặc không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, thì đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 69 BLTTHS).

– Khi cần tham dự phiên họp định giá tài sản, thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải thông báo trước cho HĐĐG tài sản biết. Khi tham dự có quyền đưa ra ý kiến, nhưng phải được sự đồng ý của HĐĐG tài sản và không được quyền biểu quyết về giá của tài sản (khoản 1 Điều 217 BLTTHS; khoản 5 Điều 18 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).

– Kiểm sát Biên bản phiên họp của HĐĐG tài sản:

Do biên bản phiên họp định giá tài sản là căn cứ duy nhất để HĐĐG tài sản kết luận định giá. Đồng thời, là cơ sở để các Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu HĐĐG giải thích kết luận định giá; xác định kết luận định giá có đúng, đầy đủ hay không để yêu cầu định giá bổ sung, định giá lại. Do vậy, cần phải được kiểm sát thật chặt chẽ. Theo đó:

+ Khi kiểm sát Biên bản phiên họp định giá tài sản cần lưu ý điều kiện để tiến hành phiên họp, theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, đó là: “Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên”. Trong mọi trường hợp không đủ điều kiện nêu trên, kết quả phiên họp không có giá trị pháp lý;

+ Biên bản phiên họp định giá phải được lập đúng và đầy đủ theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung:

* Căn cứ xác định giá; kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá đảm bảo đúng theo quy định tại các Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP; các Điều 3 và Điều 4 Thông tư 43/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tài chính (phải đặc biệt chú ý nội dung này đối với các trường hợp tài sản định giá không còn hoặc bị thất lạc).
* Thời điểm xác định giá trị của tài sản cần định giá phải phù hợp với thời điểm do CQĐT xác định trong văn bản yêu cầu định giá tài sản;

* Ý kiến của các thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt;

* Kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá về giá của tài sản.

Lưu ý: Đối với định giá tài sản là hàng cấm, ngoài các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 19, Biên bản phiên họp định giá tài sản phải bao gồm những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá tài sản là hàng cấm (khoản 3 Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).

– Kiểm sát Kết luận định giá tài sản của HĐĐG:

Tại khoản 4 Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”. Vì vậy, khi kiểm sát Kết luận định giá tài sản, cần lưu ý:

+ Việc kết luận định giá tài sản phải được thực hiện theo các quy định tại Điều 101 và Điều 221 BLTTHS. Căn cứ kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, Hội đồng định giá lập Kết luận định giá tài sản bằng văn bản. Kết luận về giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam.

Kết luận định giá được gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi HĐĐG tài sản lập kết luận định giá tài sản (Điều 20 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).

+ Kết luận định giá phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.

Kiểm sát viên phải đối chiếu nội dung Kết luận định giá với nội dung các yêu cầu giám định của CQĐT trong bản yêu cầu định giá. Nếu kết luận chưa đầy đủ, thì yêu cầu định giá bổ sung; nếu kết luận chưa rõ ràng thì yêu cầu HĐĐG giải thích kết luận định giá, trường hợp qua giải thích mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu, thì ban hành văn bản yêu cầu định giá lại theo quy định tại Điều 218 BLTTHS. Mọi trường hợp không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

3. Đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản (Điều 222 BLTTHS):

Các Cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan trong vụ án về đề nghị định giá, được thông báo và trình bày ý kiến về kết luận định giá, theo đó:

– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.

– Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.

– Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mọi trường hợp thực hiện không đúng các quy định trên, mà xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan trong vụ án thì đều bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy, Kiểm sát viên phải hết sức lưu ý kiểm sát chặt chẽ các hoạt động nêu trên của các Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn.

Hy vọng, khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trên của lãnh đạo Viện tỉnh, chất lượng giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến hoạt động định giá tài sản ở cấp huyện sẽ được nâng cao, đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có liên quan, hạn chế các khiếu nại, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án./.

Tác giả: Trần Văn Huy, nguồn Phòng 7 VKSND tỉnh Đắk Lắk

» Luật sư bào chữa hình sự

» Bị can kêu oan thì kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai