Dịch vụ nhằm kiếm tiền chênh lệch từ nhà ở xã hội tuy là giao dịch ngầm, nhưng thông tin thì rất công khai trên mạng internet.
Các dự án nhà ở xã hội khan hiếm trong khi nhu cầu rất lớn, khiến nhiều đối tượng đã tìm mọi cách để kiếm lời từ việc nhận làm hồ sơ mua nhà ở xã hội với số tiền chênh lên đến cả trăm triệu đồng.
Những dịch vụ nhằm kiếm tiền chênh lệch từ nhà ở xã hội tuy là giao dịch ngầm, nhưng thông tin thì rất công khai trên mạng internet. Trục lợi từ nhà ở xã hội không phải là câu chuyện mới, vấn đề đặt ra là vì sao những hành vi này vẫn cứ ngang nhiên tồn tại, trong khi hành lang pháp lý cơ bản đã đầy đủ.
Nhan nhản các thông tin, số điện thoại nhận làm hồ sơ mua nhà ở xã hội trên mạng internet.
Là một trong những dự án có vị trí khá thuận lợi, gần trung tâm Hà Nội, dự án nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu C11-ODK4 thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai được rất nhiều người thu nhập thấp quan tâm. Hiện chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà đợt 1, thời hạn đến hết ngày 28/2/2017.
Mặc dù trên website của Sở Xây dựng Hà Nội ghi rõ chỉ có một địa chỉ tiếp nhận hồ sơ mua nhà, nhưng trên mạng internet, nhan nhản các trang web, trang mạng xã hội thông tin về việc nhận làm hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án này.
Liên hệ theo một số điện thoại, phóng viên được người tư vấn cho hay, giá bán mỗi m2 căn hộ tại dự án này khi vào hợp đồng khoảng 14,1 đến 14,2 triệu chưa bao gồm VAT và phí bảo trì. Người này lưu ý là nếu muốn chắc chắn được mua nhà thì khách hàng phải mất tiền chênh, khi đó hồ sơ chắc chắn sẽ được duyệt.
“Tiền chênh lệch là 60 triệu đồng vì bên làm dịch vụ thu tiền xong vẫn phải nộp cho chủ đầu tư, bởi họ không làm trực tiếp với từng khách hàng mà vẫn qua một số đơn vị riêng, vì nhà ở xã hội thực tế không được bán ra ngoài. Người mua cần làm 2 hồ sơ riêng, khi khai hồ sơ mua nhà chỉ cần ghi mức thu nhập dưới 9 triệu đồng, còn trong hồ sơ vay ngân hàng thì khai càng cao càng tốt”, người tư vấn cho biết.
Khi phóng viên gọi đến một số điện thoại khác, người tư vấn giới thiệu nhận làm hồ sơ mua nhà cho rất nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội, như dự án Bright City (huyện Hoài Đức), dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an ở phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), dự án nhà ở xã hội ở Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân)…
Khi hỏi về mức chênh nếu muốn mua lại một suất nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an ở phường Cổ Nhuế 2, người tư vấn cho biết, ở Cổ Nhuế giá khoảng tầm 15 triệu, nhưng khoản bên ngoài đắt hơn vài trăm triệu. Thời điểm trước giá nhận hồ sơ là 15 triệu/m2, hiện tại đang là gần 17 triệu/m2 chưa tính chênh lệch. Mức giá này đã có VAT nhưng chưa có phí bảo trì.
“Đây là nhà ở dành cho cán bộ chiến sỹ của Bộ Công an, ngoài ngành cũng có thể mua được nhưng đi theo suất ngoại giao, đắt hơn tầm 3 triệu/m2 nữa. Chênh nhiều, thời điểm trước tết đã chênh khoảng 160 triệu đồng/suất. Em có 5-6 khách đã làm hồ sơ đang chuẩn bị vào hợp đồng rồi, nhưng họ vẫn phải bốc thăm”, tư vấn cho biết.
Hầu hết các đối tượng làm hồ sơ mua nhà ở xã hội đều nhận có quan hệ riêng với chủ đầu tư, có suất ngoại giao… Thậm chí, tại không ít buổi bốc thăm mua nhà ở xã hội, một số người nói là “người nhà”, “người của chủ đầu tư” đã đặt vấn đề trả ngay hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua lại suất nhà ở xã hội của người trúng thăm. Lý do mà ai cũng hiểu là ngay sau đó, căn hộ nhà ở xã hội lại có thể chào bán cho những người khác với giá chênh tăng gấp nhiều lần.
Một người đã từng bốc thăm mua nhà ở xã hội tiết lộ: “Tôi từng tham gia bốc thăm mua căn hộ, rất may mắn là tôi được chủ đầu tư thông báo được quyền mua căn hộ. Sau khi bốc thăm xong tôi thấy có nhiều số điện thoại lạ gọi với mục đích hỏi mua lại căn hộ của tôi, nhưng tôi chưa có nhà ở nên tôi không bán”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw phân tích, thời gian qua rất nhiều đối tượng thực hiện hành vi trục lợi nhằm thu lợi bất chính từ nhà ở xã hội, trong đó phổ biến là việc nhận làm hồ sơ mua nhà. Họ thực hiện thông qua các giao dịch ngầm để đối phó với cơ quan chức năng.
Các hành vi này là vi phạm quy định của pháp luật về nhà ở xã hội. Nếu chủ đầu tư có hành vi móc nối với các đối tượng trên là vi phạm quy định của Luật Nhà ở và Nghị định của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, có thể đối mặt với hình thức xử lý vi phạm hành chính liên quan trong lĩnh vực xây dựng và nhà ở, trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị xem xét khởi tố hình sự.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, các hành vi sai phạm này hiện chỉ dừng ở việc nếu phát hiện ra thì phạt tiền, thu hồi, nên chưa tạo được sức răn đe và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng thanh tra mỏng, cũng chưa kiểm tra rốt ráo, nên các giao dịch này khó xử lý, nhiều giao dịch đã trót lọt mà không bị phát hiện.
“Hiện việc xét duyệt, tiếp nhận hồ sơ người mua nhà đều giao cho chủ đầu tư thực hiện, chủ đầu tư chỉ cần báo cáo bằng văn bản cho Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Việc quản lý nhà ở xã hội của cơ quan nhà nước nên bắt đầu từ tiền kiểm, kiểm tra ngay từ khâu nhận, xét duyệt hồ sơ cho đến hậu kiểm, như vậy có thể giảm thiểu được việc vi phạm mua bán nhà ở xã hội hiện nay”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm.
Nếu để các hành vi trục lợi nhà ở xã hội thành công, thì người thiệt hại đầu tiên chính là những người thu nhập thấp đang cần nhà ở, bởi khi đó nguồn cung nhà xã hội càng ít đi, cơ hội cho người thu nhập thấp càng hẹp. Không những vậy, nhiều người đã bị lừa, mất tiền nhưng nhà thì không mua được.
Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm quá trình xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, tránh tạo các kẽ hở cho chủ đầu tư móc nối với một số đối tượng để trục lợi, thì người mua nhà cần trang bị kiến thức về pháp lý, đồng thời sáng suốt, tỉnh táo hơn trước những lời chào mời mua nhà qua môi giới./.
Theo Lưu Huyền/VOV-Trung tâm tin