Luật sư tư vấn người mua hộ ma túy phạm tội gì? Người khác nhờ mua hộ ma túy về sử dụng, thì người mua hộ có thể được hưởng lợi hoặc không, nhưng hành vi này bị thể bị xử lý theo quy định Bộ luật hình sự, mức phạm tội tùy vào mục đích hưởng lợi của mua.
Luật sư tư vấn người mua hộ ma túy cho người khác phạm tội gì?
Người mua hộ ma túy cho người khác thì tùy thuộc vào mục đích, hành vi mua khác nhau thì tội danh của người mua cũng khác nhau:
1. Trường hợp mua hộ ma túy về cùng sử dụng
Tại điểm c Mục 3.7 Thông tư liên tịch số 17/2007 có quy định như sau:
“3.7. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt….
c) Người nào biết người khác đi mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma túy để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma túy đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ.”
Theo quy định trên thì trường hợp người đi mua hộ mua ma túy đồng thời mua về để sử dụng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy về tổng số lượng, khối lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ có hình thức hình phạt khác nhau.
Mức phạt về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy:
Theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, có 4 khung hình phạt chính áp dụng với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, trong đó khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 1 đến 5 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 500 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Trường hợp mua hộ ma túy cho người khác mà không nhằm mục đích thu lợi hay sử dụng
Với trường hợp này, mặc dù hành vi khách quan của người mua hộ ma túy chỉ đơn giản là đi mua hộ sau đó mang về cho người nhờ mua mà không nhằm mục đích lấy thù lao hay về cùng sử dụng, tuy nhiên người này vẫn bị xử lý hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Theo mục 3.2 Thông tư liên tịch số 17/2007, thì vận chuyển trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi dịch chuyển trái pháp luật chất ma túy từ nơi này đến nơi khác bằng bất kỳ phương tiện nào như: ô tô, tàu bay, tàu thủy… và ở trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.
Mức phạt về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy:
Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định 04 khung hình phạt chính với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 02 đến 07 năm, cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 đến 500 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp người vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Như vậy, hành vi mua hộ ma túy cho người khác trong trường hợp này bị xử lý về tội: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, hoặc Tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò là đồng phạm.
Mức phạt về Tội mua bán trái phép chất ma túy:
Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định 04 khung hình phạt chính với Tội mua bán trái phép chất ma túy với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 02 đến 07 năm, cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.