Người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản bị xử lý như thế nào?

Người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản bị xử lý như thế nào? Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi không trả lại tài sản mình được giao nhầm hoặc không nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mình tìm được, nhặt được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản đó. khác với hành vi chiếm đoạt tài sản là tài sẵn đang có người quản lý. 

Tư vấn người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản bị xử lý như thế nào?

1. Tội chiếm giữ trái phép tài sản 

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 BLHS như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Cấu thành tội phạm

2.1 Mặt khách thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Về hành vi: Đối tượng có hành vi (không hành động) cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc các vật mang giá trị lịch sử, văn hóa cho phía chủ sở hữu, người quản lý một cách hợp pháp hoặc không tiến hành giao nộp cho phía cơ quan có trách nhiệm.

Tài sản, cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hóa nêu trên mà người thực hiện hành vi phạm tội chiếm hữu, có được do bị người khác giao nhầm hoặc do chính người phạm tội tìm được, bắt được. 

Về giá trị tài sản: Trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt được phải từ 10.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cổ vật hoặc các vật mang giá trị lịch sử văn hóa thì pháp luật không quy định giá trị để làm căn cứ trách nhiệm hình sự vì đây là những vật mang giá trị về mặt tinh thần hết sức quý giá nên không thể tiến hành định giá một cách cụ thể như những loại tài sản thông thường.

Lưu ý:

Để có thể xác định là cổ vật, vật mang giá trị lịch sử thì phải có kết luận giám định từ phía cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ trước đó về việc công nhận đó là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Tài sản bị giao nhầm ở đây được hiểu là tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc là cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa do phía người giao bị nhầm lẫn. Phía người giao sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự nhầm lẫn này. Người nhận tài sản không có bất kỳ một thủ đoạn gian dối nào, để phía bên giao tài sản tưởng nhầm mà giao tài sản của mình. Trường hợp người nhận tài sản bị giao nhầm có các thủ đoạn gian dối nhằm mục đích để người giao tin tưởng mà giao nhầm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời điểm được xem là hoàn thành tội phạm được bắt đầu tính từ lúc sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo pháp luật quy định mà phía người chiếm hữu tài sản, cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hóa vẫn cố tình không trả lại. 

Thời điểm này có thể là ngay sau khi có yêu cầu trả lại tài sản, cổ vật, vật mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa hoặc ngay sau khi thời hạn người yêu cầu đưa ra chính thức kết thúc.

Như vậy, bắt đầu từ thời điểm yêu cầu giao trả tài sản kết thúc thì việc chiếm giữ các đối tượng nêu trên của người bị yêu cầu sẽ trở thành bất hợp pháp.

Tuy nhiên, trường hợp nếu do hoàn cảnh khách quan gây ảnh hưởng đến việc giao trả thì người đang chiếm hữu các đối tượng nêu trên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Vậy chúng ta cần biết về tài sản là gì:

“Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.

2.2 Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Đó là hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép. Hành vi này được thể hiện dưới những hình thức sau đây: 

Không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản đó mà chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó.

Không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản mà mình tìm được, bắt được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó. Cơ quan có trách nhiệm ở đây là công an hoặc chính quyền địa phương, nơi mà tài sản được tìm thấy, bắt được. Được xem là không trả lại hoặc không giao nộp khi mà người phạm tội đã quyết định định đoạt về tài sản đó (ví dụ như bán, tiêu dùng, tẩu tán hoặc thực hiện các hành vi khác làm mất khả năng trả lại hoặc giao nộp) hoặc từ chối việc trả lại, giao nộp.

Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, bị rơi không thu hồi được. Tuy nhiên, nếu là tài sản bình thường không phải là di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì mới cấu thành tội phạm này.

Nếu tài sản là di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì giá trị tài sản dưới 10.000.000 đồng vẫn bị coi là phạm tội.

Theo Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. 

2.3 Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Tội phạm có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cũng thế có do nhiều nhiều người cùng thực hiện. 

1.4 Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhân thức rõ hậu quả xâm phạm đến quyền tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra. Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

3. Khung hình phạt của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Khung hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. 

– Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học

» Luật sư bào chữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản