Lệnh truy nã là gì, có thời hạn bao lâu? Anh trai tôi đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 25 năm trước, có lệnh truy nã, đến nay đã ổn định cuộc sống mới nhưng đến nay lại bị công an đến bắt, anh trai tôi có phạm tội không? Cho tôi hỏi hiệu lực truy nã có còn hay không, được quy định về truy như thế nào? Khi nào một người bị phát lệnh truy nã?
Lệnh truy nã là gì, lệnh truy nã có thời hạn bao lâu?
1. Truy nã là gì, khi nào thì bị truy nã
Truy nã là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy tìm, bắt giữ những bị can, bị cáo, phạm nhân đang bỏ trốn hoặc không ai biết được tung tích của họ đang ở đâu.
Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
“Điều 231. Truy nã bị can
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.”
Theo Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, những đối tượng sẽ bị truy nã là:
1. Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
2. Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
3. Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
4. Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
5. Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Quyết định truy nã những người này khi:
– Đủ căn cứ xác định những đối tượng trên đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả
– Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn. (Điều 4 Thông tư trên)
Đặc biệt, ngay cả trong giai đoạn điều tra, tức chưa bị khởi tố, cơ quan điều tra vẫn có thể ra quyết định truy nã. (Điều 8 Thông tư 13)
2. Truy nã và việc truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp một người bị bắt sau một khoảng thời gian lẩn trốn không hoàn toàn phụ thuộc vào lệnh truy nã mà quan trọng nhất là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi một người thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật hình sự quy định về thời hiệu truy cứu như sau:
Tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015
“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Điều này có nghĩa, nếu một người phạm tội mà quá một thời hạn nhất định vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ sẽ không còn bị truy cứu nữa. Trường hợp nếu không bị truy nã, người phạm tội không còn bị truy cứu nữa vì đã hết thời hạn để truy cứu tội họ đã thực hiện, cụ thể:
Tại Khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015
“2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà thời hiệu truy cứu sẽ dài hơn, Điều 28 BLHS còn quy định thêm một số tội sẽ bị truy cứu đến khi người đó chết mà không tính thời hiệu.
Tuy nhiên có một trường hợp đặc biệt quy định tại Khoản 3 Điều 27:
“Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.”
Tức là nếu trốn tránh mới bị tính lại từ đầu (coi như ngày đầu thú hoặc bị bắt giữ là ngày phạm tội).
Qua đó có thể giải thích trường hợp một người dù đã phạm tội hàng chục năm trước mà vẫn bị bắt có thể do tội của họ là những tội không tính thời hiệu truy cứu hoặc do họ đang có lệnh truy nã.
Như vậy, có thể hiểu rằng lệnh truy nã không có thời hạn, chỉ khi nào người phạm tội ra đầu thú, bị bắt hoặc chết thì lệnh truy nã mới hết hiệu lực, điều này khuyến khích người phạm tội ra đầu thú để hưởng tình tiết giảm nhẹ.