Khi nào qua ngã tư, biển báo tốc độ hết hiệu lực? Nếu biển hết giới hạn tốc độ thì đi với tốc độ nào để người tham gia giao thông cần nắm rõ luật để chủ động tốc độ khi tham gia giao thông, tránh bị phạt do đi quá nhanh, hoặc đi chậm do không hiểu biết về quy định tốc độ.
Mục lục bài viết
Có phải qua ngã tư, biển báo tốc độ hết hiệu lực?
1. Xác định khu vực đang tham gia giao thông
Đầu tiên người tham gia giao thông cần biết mình đang đi trong khu vực nào để xác định giới hạn tốc độ tối đa cho phép, khi biển giới hạn tốc độ đoạn đường hết hiệu lực thì tốc độ tối đa được giới hạn theo tốc độ khu vực đang tham gia giao thông:
1.1. Khu vực đông khu dân cư
Khu vực đông khu dân cư được nhận biết bằng biển báo khu vực, biển R.420 (bắt đầu khu đông dân cư), R.421 (hết khu đông dân cư);
Tốc độ tối đa trong khu đông dân cư quy định
Theo quy định tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư như sau:
– Xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự: tối đa 40 km/h;
– Xe cơ giới chạy trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60km/h;
– Xe cơ giới chạy trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50km/h.
Nếu gặp biển khu đông dân cư, tài xế phải tuân thủ tốc độ quy định như trên cho đến khi đặt biển báo hết khu đông dân cư. Bởi trường hợp này qua ngã tư, biển báo không tự động hết hiệu lực.
Trường hợp, các biển hiệu lệnh có tác dụng trong khu vực và các trường hợp có quy định riêng, khi biển hết hiệu lực sẽ áp dụng giới hạn tốc độ tối đa bạn đang đi trong khu vực đông dân cư.
Do trong đô thị có nhiều nút giao, không thể đặt biển nhắc lại tại mỗi nút giao nên các tài xế cần lưu ý, chỉ khi nhìn thấy biển R.421 thì biển R.420 mới hết hiệu lực.
1.2. Khu vực ngoài khu dân cư
Khu vực ngoài khu đông khu dân cư được nhận biết bắt đầu bằng biển báo khu vực, biển R.421 (hết khu đông dân cư), R.420 (bắt đầu khu đông dân cư)
Giới hạn tốc độ tối đa được quy định theo tùng loại xe, Ví dụ: với xe ô tô con là 80km/h với đường 2 chiều; 90 km/h đối với đường đôi….
Trường hợp, các biển hiệu lệnh có tác dụng trong khu vực ngoài khu đông dân cư và các trường hợp có quy định riêng, khi biển hết hiệu lực sẽ áp dụng giới hạn tốc độ tối đa bạn đang đi ngoài khu đông dân cư.
1.3. Đường cao tốc
Đường cao tốc thì tốc độ tối đa theo biển báo trên đường cao tốc.
2. Quy định đối với biển báo tốc độ tại nơi đường giao nhau
Về vị trí đặt biển hiệu lệnh theo chiều đi và hiệu lực tác dụng của biển, Quy chuẩn 41:2016 có hiệu lực đến trước ngày 01/7/2020 quy định như sau:
Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực.
Nếu chỉ nhìn vào quy định này, nhiều người sẽ hiểu rằng qua ngã tư, biển báo mặc định hết hiệu lực. Tuy nhiên, tại thời điểm Quy chuẩn 41:2016 có hiệu lực thì Thông tư 91/2015/TT-BGTVT (đã hết hiệu lực từ cuối năm 2019) cũng quy định như sau: “Biển số 420 có hiệu lực khu đông dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt biển số 421“.
Từ ngày 01/7/2020, Quy chuẩn 41:2019 có hiệu lực đã quy định chi tiết hơn để tài xế tránh hiểu lầm, như sau:
Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh đi qua các nút giao (trừ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lân cận mà phương tiện chỉ có thể ra, vào khu đất bằng một lối đi chung), biển hiệu lệnh phải được nhắc lại đặt phía sau nút giao theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh, trừ các biển R.420, R.421, các biển hiệu lệnh có tác dụng trong khu vực và các trường hợp có quy định riêng.
Như vậy, qua ngã tư, biển báo tốc độ mặc định hết hiệu lực trừ 03 trường hợp sau: Đoạn đường giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lân cận mà phương tiện chỉ có thể ra, vào khu đất bằng một lối đi chung.