Giám sát Quản tài viên trong thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

Giám sát Quản tài viên trong thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, theo đó Luật đã mở nghề mới là Quản tài viên và Quản tài viên sẽ thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản thay cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản trước đây. Quản tài viên sẽ thực hiện viện công việc trong suốt quá trình từ khi Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản cho đến khi thanh lý xong tài sản thi hành án hoặc hết thời hạn 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản của Chấp hành viên yêu cầu thanh lý tài sản. mà chưa thanh lý xong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị tuyên bố phá sản.

Việc tạo ra nghề Quản tài viên giúp giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án đối với các vụ việc phá sản, đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Tuy nhiên, Quản tài viên khi thực hiện nhiệm vụ cũng cần có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật. Do đó, Luật Phá sản có quy định về việc giám sát hoạt động của Quản tài viên. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ nêu các vấn đề liên quan đến việc giám sát của Chấp hành viên trong quá trình Quản tài viên thực hiện việc thanh lý tài sản.

Giám sát Quản tài viên trong thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản

1. Về quyền hạn, nghĩa vụ của Quản tài viên trong việc thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Theo đó, tại Điều 16 Luật Phá sản đã có quy định cụ thể như sau: 
“1. Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm:
a) Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;
c) Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
d) Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật;
đ) Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật;
e) Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;
g) Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;
h) Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;
i) Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.
2. Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.
3. Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:
a) Thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;
c) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.
5. Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Như vậy, khi thực hiện thanh lý tài sản theo yêu cầu của Chấp hành viên thì Quản tài viên phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chấp hành viên. Tuy nhiên quy định này còn mang tính chất rất chung chung, khó thực hiện trong thực tiễn.

2. Về việc Chấp hành viên giám sát hoạt động của Quản tài viên
Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 17 của Luật Phá sản năm 2014 quy định nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong việc giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản như sau:
 – Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản.
– Đề xuất Tòa án nhân dân thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong trường hợp phát hiện ra Quản tài viên có vi phạm.
Để hướng dẫn Luật Phá sản thì Điều 17 của Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định trách nhiệm báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đối với Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất: Việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản để ký hợp đồng định giá tài sản, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản.

Thứ hai: Việc thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản.

Thứ ba: Không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản.

Thư tư: Bán đấu giá tài sản không thành.
Hình thức báo cáo thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Phá sản bao gồm trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, thư điện tử, fax, telex.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Chấp hành viên khi nhận được báo cáo của Quản tài viên đó là:

Một là, khi nhận được báo cáo việc lựa chọn, thay đổi tổ chức thẩm định giá của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nếu phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, Chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này.

Hai là, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản; Chấp hành viên quyết định việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản.

Ba là, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài về việc bán đấu giá không thành, Chấp hành viên quyết định việc thanh lý tài sản.
Ngoài ra tại điều này Nghị định của quy định quyền của Chấp hành viên đề xuất Thẩm phán thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về phá sản, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên

2. Về khó khăn trong việc thực hiện giám sát Quản tài viên

Thứ nhất, Chưa có sự phân định rõ ràng trong giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Tại khoản 3 Điều 17 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự: “Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản”.
Theo quy định trên thì chức năng giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự bắt đầu từ thời điểm cơ quan thi hành án ra Quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 9 Luật Phá sản quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản:“Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” 
Như vậy, theo quy định này thì Thẩm phán có chức năng giám sát toàn bộ hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì cũng đồng thời giám sát cả khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, vì vậy việc giám sát ở đây có sự chồng chéo giữa hai cơ quan đó là Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

Thứ hai, Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ cơ chế giám sát
 Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành án mới chỉ đưa ra quy định  cơ quan thi hành án dân sự  và Chấp hành viên có quyền giám sát Quản tài viên trong thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản nhưng chưa quy định cụ thể cơ chế giám sát được thực hiện như thế nảo? Việc yêu cầu Quản tài viên báo cáo có thể hiểu cho rằng việc giám sát được thực hiện thông qua báo cáo của Quản tài viên hay không? Đồng thời các quy định pháp luật cũng chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên khi để xảy ra vi phạm của Quản tài viên trong quá trình xử lý tài sản sau khi Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản.
Thứ ba, việc giám sát một số hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về định giá, bán đấu giá tài sản:
+ Việc quy định quyền giám sát hoạt động thanh lý tài sản của Quản tài viên nhưng chưa làm rõ được Chấp hành viên có quyền giám sát hoạt động định giá, bán đấu giá tài sản hay không ví dụ: như giám sát các hợp đồng được ký với tổ chức định giá, tổ chức đấu giá, giám sát việc thông báo, niêm yết của tổ chức thẩm đấu giá, việc bán hồ sơ của các tổ chức đấu giá, việc tổ chức và điều hành phiên đấu giá ….
+ Trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá, một người tham gia trả giá thì Quản Tài viên có quyền quyết định bán bán tài sản cho người đó hay phải báo cáo Chấp hành viên trước khi quyết định bán hoặc báo cáo để Chấp hành viên quyết định việc bán hay không bán.
+ Theo quy định của Luật đấu giá tài sản thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản (ở đây là Quản tài viên) và người mua trúng đấu giá. Vậy, Chấp hành viên có quyền được giám sát việc thực hiện ký và thực hiện hợp đồng hay không. Trường hợp phát hiện ra hợp đồng có nội dung không đúng hoặc chưa phù hợp với các quy định của pháp luật Chấp hành viên có quyền yêu cầu Quản tài viên xem xét lại hợp đồng hay không?

3. Một số nội dung của Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản
Để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tich hướng dẫn một số vấn đề về thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản (Thông tư này đang được các ngành xem xét ký). Dự thảo Thông tư gồm 03 chương và 21 điều trong đó liên quan đến việc giám sát Quản tài viên doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định điểu 11 của dự thảo Thông tư như sau:

Thứ nhất, về thời điểm giám sát hoạt động của Quản tài viên
Thông tư quy định rõ về thời điểm Chấp hành viên có trách nhiệm giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là sau khi Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản.

Thứ hai, về phương thức giám sát hoạt động của Quản tài viên
Thông tư đã quy định rõ việc giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thông qua báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý Chấp hành viên. 

Thứ ba, về nội dung giám sát hoạt động của Quản tài viên
Thông tư đã quy định các nội dung giám sát của Chấp hành viên đó là:
(i) Trước khi lựa chọn, thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên.
Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản đưa ra thẩm định giá, bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá; lý do lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá. Nếu thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá thì báo cáo phải nêu rõ lý do thay đổi.
(ii) Trường hợp không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá,
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải báo cáo ngay Chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản đưa ra thẩm định giá, bán đấu giá; quá trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; lý do không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá.
Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thì ngay sau khi nhận được các ý kiến tham khảo Quản tài viên doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo ngay Chấp hành viên kết quả. Nội dung báo cáo nêu rõ ý kiến của các cơ quan chuyên môn và nêu rõ mức giá mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản lựa chọn.
(iii): Trước khi xác định giá của tài sản thanh lý, trong trường hợp tài sản thanh lý có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị,
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản đưa ra xác định giá; lý do cần xác định giá; ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn về giá của tài sản thanh lý.
(iv) Ngay sau khi bán đấu giá tài sản không thành,
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản đưa ra bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá; quá trình bán đấu giá tài sản; lý do bán đấu giá tài sản không thành.
(v)  Trước khi bán tài sản không qua thủ tục bán đấu giá, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản bán không qua thủ tục đấu giá, căn cứ để không đưa ra bán đấu giá.
(vi) Ngay sau khi bán được tài sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có văn bản báo cáo Chấp hành viên kết quả thanh lý tài sản. Đối với những tài sản thanh lý mà không bán được hết trong một lần thì khi bán được phần tài sản nào, Quản tài viên báo cáo Chấp hành viên về phần đó.
Báo cáo kết quả thanh lý tài sản có các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm; tên của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản; văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; hình thức bán tài sản; tài sản đã bán được, số tiền bán được; tài sản chưa bán được.
(vii) Ngay sau khi thu được tiền bán tài sản thanh lý,
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải có văn bản báo cáo Chấp hành viên và chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự do Chấp hành viên đã mở. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự nhận được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền cho các đương sự. Thủ tục thanh toán, xử lý tiền đương sự chưa nhận thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Thứ tư, việc xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm của Quản tài viên
Trường hợp Chấp hành viên phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không khách quan trong quá trình thanh lý tài sản thì Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện đúng quy định hoặc có văn bản đề xuất Tòa án nhân dân thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Trường hợp hành vi vi phạm quy định về pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện việc định giá, thanh lý tài sản.
Như vậy, Thông tư liên tịch đã làm rõ hơn thời điểm mà Chấp hành viên thực hiện quyền giám sát và các nội dung mà Quản tài viên phải báo cáo trong quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản.
Tuy nhiên, quy định của Thông tư liên tịch cũng chưa xác định rõ trách nhiệm của giám sát của Chấp hành viên trong quá trình Quản tài viên thực hiện việc thanh lý tài sản. Đây là vấn đề rất quan trọng nếu không làm rõ trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc giám sát hoạt động của Quản tài viên thì khi có hành vi vi phạm của Quản tài viên thì dễ dẫn đến khó xác định trách nhiệm của Chấp hành viên trong đó. Do đó, các nhà làm Luật cần nghiên cứu và sớm sửa đổi bổ quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc giám sát hoạt động của Quản tài viên thanh lý tài sản.

theo Văn Thị Tâm Hồng thads.moj.gov.vn

» Quyền và nghĩa vụ của quản tài viên trong vụ việc phá sản

» Quyết định 1382/QĐ-BTP năm 2015 thủ tục hành chính Quản tài viên hành nghề