Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự theo BLTTDS 2015

Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự theo bộ luật tố tụng dân sự 2015. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rằng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy đinh trong Hiến pháp và Luật”. Quyền công dân được bảo đảm bằng sự cưỡng chế của Nhà nước. Để bảo hộ cho các quyền dân sự của các chủ thể, Nhà nước quy định nhiều biện pháp, cách bảo vệ khác nhau, nhưng đặc biệt có biện pháp khởi kiện vụ án dân sự theo trình tự tố tụng dân sự.

Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật

I. Quyền khởi kiện vụ án dân sự

Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác có quyền dân sự bị xâm phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền dân sự phải chấm dứt hành vi trái pháp luật hoặc phải bổi thường thiệt hại hoặc phải chịu chế tài phạt vi phạm… Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện của các chủ thể.

“Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Điều 186 BLTTDS 2015 (Bộ luật tố tụng dân sự 2015) không chỉ ghi nhận quyền khởi kiện dân sự mà còn quy định các điều kiện về thủ tục khởi kiện, yêu cầu khởi kiện.

II. Điều kiện để khởi kiện vụ án dân sự

1. Về chủ thể khởi kiện
– Điều 186 BLTTDS 2015 quy định:“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp phá kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là các chủ thể theo quy định của pháp luật được tham giam vào quan hệ pháp luật TTDS. Các chủ thể này bao gồm cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định. Cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải có năng lực hành vi TTDS đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm.
– Đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án được mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án. Pháp luật cũng đòi hỏi cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 186 BLTTDS 2015). Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt trong TTDS, nó không cho phép người không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật lợi dụng quyền khởi kiện để rồi lại xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Cá nhân khi đã có năng lực chủ thể đầy đủ thì có thể tự mình khởi kiện hoặc làm giấy ủy quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình khởi kiện, trừ việc ly hôn.
– Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Các cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp bị xâm phạm hoặc tranh chấp. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức còn khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của pháp luật. Ngoài những trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác được khởi kiện những vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định tại các Điều 119, Điều 102 LHN&GĐ 2015, BLTTDS còn quy định các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách (Điều 187 BLTTDS 2015). Để có nhận thức thống nhất về các loại cơ quan, tổ chức được khởi kiện vụ án dân sự cần có sự phân biệt như sau:
– Các bộ phận, đơn vị, văn phòng đại diện của các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước không phải là pháp nhân, không có quyền khởi kiện vụ án dân sự.
– Các tổ chức quy định trong Điều 1 BLTTDS bao gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân và các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân được khởi kiện vụ án dân sự phải là những tổ chức được pháp luật quy định có quyền tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền Tòa án
Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Việc xác định thẩm quyền là một điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động bình thường và hợp lý của bộ máy nhà nước. Đồng thời việc phân định thẩm quyền giữa các Tòa án cũng góp phần cho các Tòa án thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện. Thẩm quyền của Tòa án được xác định một cách chính xác sẽ tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án với các cơ quan nhà nước khác, giữa các Tòa án và các bộ phận trong một Tòa án, góp phần giải quyết đúng đắn, tạo điều kiện cho các đương sự tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để vụ án được thụ lý, đơn khởi kiện phải gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, xét xử. Cụ thể là:
– Vụ án mà chủ thể khởi kiện thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS 2015
– Vụ án được khởi kiện phải đúng với cấp tòa án có thẩm quyền quy định tại Điều 35, 36, 37, 38 BLTTDS 2015
– Vụ việc được khởi kiện đúng thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015
– Trong trường hợp người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án theo Điều 40 BLTTDS thì yêu cầu đương sự cam kết không khởi kiện tại các tòa án khác. Nếu do thỏa thuận lựa chọn Tòa án giải quyết thì phải kiểm tra tính hợp pháp của thỏa thuận.
– Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác gaiải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó.
– Khi xác định thẩm quyền, Tòa án cũng phải xác định đó là loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại hay lao động để vào sổ thụ lý loại án đúng với quy định. Việc xác định này có ý nghĩa rất lớn khi xác định các quy phạm pháp luật nội dung để áp dụng. Chẳng hạn nếu đó là tranh chấp về hôn nhân và gia đinh sẽ áp dụng các quy định trong LHNHĐ, BLDS… Nếu là tranh chấp lao động sẽ áp dụng BLLĐ…

3. Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện
– Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các chủ thể có quyền khởi kiện được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền lợi ích bị xâm phạm. Hết thời hạn đó thì chủ thể khởi kiện mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định tại Điều 185 BLDS năm 2015, riêng đối với yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc sở hữu nhà nước; yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Quy định thời hiệu khởi kiện góp phần quan trọng vào việc ổn định các quan hệ kinh tế – xã hội, hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện. Tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại tranh chấp pháp luật quy định thời hiệu.
– Trên thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan mà việc khởi kiện không được thực hiện trong thời hạn quy định. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, pháp luật quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng; trở ngại khách quan; người có quyền khởi kiện chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; người đại diện của họ bị chết mà chưa có người thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện (Điều 186 BLTTDS 2015)
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được quy định cụ thể trong BLDS năm 2015, Luật Thương mại năm 2005, BLLĐ năm 2012.

4. Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật
Nếu sự việc đã được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ các trường hợp sau đây:
• Bản án, quyết định của tòa án bác đơn xin ly hôn;
• Yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại;
• Yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ
• Vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà tòa án chưa chấp nhận yêu cầu.
• Các trường hợp khác pháp luật quy định.
– Ngoài ra, khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 193 BLTTDS 2013) thì đương sự có quyền khởi kiện lại.
– Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Điều kiện này nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định, sự ổn định của các quan hệ xã hội, một việc đã được giải quyết thì không giải quyết lại nữa để tránh tình trạng chồng chéo cũng một sự việc mà nhiều cơ quan giải quyết và tránh việc cố tình kéo dài việc khiếu kiện của đương sự.

» Luật sư bảo vệ quyền lợi trong vụ án dân sự