Chia thừa kế đối với đất không có giấy tờ như thế nào?
Nội dung tư vấn như sau:
Nội dung tư vấn: Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi. Ông bà nội tôi sinh được 3 người con, 2 cô đã ra ở riêng hết. Ông bà nội tôi đã chết. Khi chết ông bà đã để lại 1 ngôi nhà gỗ 3 gian và 300 mét vuông đất và không có di chúc và không có giấy tờ gì (mảnh đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Đến nay tôi muốn được đúng tên trên mảnh đất có được không?
Qua sự việc trên Luật sư cho tôi hỏi liệu mảnh đất đó có được coi là di sản không? Và có phải chia không? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Tư vấn chia thừa kế đối với đất không có giấy tờ
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Công ty Luật. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc xác định quyền sử dụng mảnh đất là di sản.
Tại Phần II, mục 1 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định về xác định quyền sử dụng đất là di sản như sau:
“…
1.3. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:
a) Trong trường hợp đương sự có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
b) Trong trường hợp đương sự không có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.
c) Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó, thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
1.4. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định tại tiểu mục 1.1, tiểu mục 1.2 mục 1 này và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 này, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Theo thông tin bạn cung cấp, thời điểm ông bà bạn mất, mảnh đất để lại thừa kế chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vậy để chia thừa kế với mảnh đất này gia đình bạn phải chứng minh được mảnh đất này là di sản thừa kế do ông bà bạn để lại. Tại thời điểm ông bà bạn mất trên mảnh đất hiện có công trình là căn nhà gỗ năm gian thì tùy từng trường hợp quy định tại Tiểu mục 1.3 trên Tòa án sẽ xem xét giải quyết phân chia di sản. Như vậy gia đình bạn cần phải liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã để đề nghị xem xét tính hợp pháp của mảnh đất đồng thời xin xác nhận thông tin về việc ông bà bạn là người đang sử dụng mảnh đất này. Sau khi đã có văn bản xác nhận của Ủy ban cấp xã gia đình bạn có thể liên hệ với Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu xem xét phân chia di sản thừa kế.
Thứ hai, về việc phân chia di sản thừa kế.
Yêu cầu chia di sản thừa kế của ông bà bạn. Khi đó chia thừa kế như sau: Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
…
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
…”
Theo quy định trên, sau khi ông bà mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Sau khi được xác định là di sản thừa kế thì những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của người để lại di sản sẽ bao gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Do vậy, những người trong hàng thừa kế thứ nhất còn sống tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) thì được hưởng phần di sản bằng nhau.
Khi chia thừa kế thì chỉ chia những tài sản thuộc sở hữu của ông bà, còn lại những tài sản của gia đình bạn sau này sẽ trả lại cho gia đình bạn và phần công sức đóng góp, cải tạo đất làm gia tăng giá trị đất. Vì di sản là quyền sử dụng đất và tài sản là nhà trên đất đó nên các bên thỏa thuận chia trên giá trị tài sản đất hoặc thỏa thuận người lấy hiện vật và thanh toán tiền cho những người thừa kế còn lại sau đó bố bạn mới sang tên cho bạn đứng tên trên mảnh đất đó được.