Căn cứ quyết định hình phạt là gì? Các căn cứ quyết định hình phạt là một nội dung vô cùng quan trọng trong hệ thống các quy định pháp luật hình sự. Bởi khi tòa án ra bản án với người phạm tội thì phải căn cứ vào các yếu tố mà các nhà làm luật cho rằng nó là căn cứ quyết định hình phạt. Từ đó, bản án được đưa ra hợp tình hợp lý, đúng người đúng tội.
Mục lục bài viết
-
Các căn cứ quyết định Hình phạt trong Bộ luật hình sự
- 1. Cơ sở pháp lý căn cứ quyết định hình phạt
- 2. Khái niệm quyết định hình phạt?
-
3. Các căn cứ quyết định hình phạt
- 3.1. Căn cứ quyết định hình phạt là những quy định của Bộ Luật Hình sự
- 3.2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm để quyết định hình phạt
- 3.3. Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội để quyết định hình phạt
- 3.4. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt
Các căn cứ quyết định Hình phạt trong Bộ luật hình sự
Mục lục:
- Cơ sở pháp lý căn cứ quyết định hình phạt
- Khái niệm quyết định hình phạt?
-
Các căn cứ quyết định hình phạt
3.1. Căn cứ quyết định hình phạt là những quy định của Bộ Luật Hình sự
3.2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm để quyết định hình phạt
3.3. Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội để quyết định hình phạt
3.4. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt
1. Cơ sở pháp lý căn cứ quyết định hình phạt
Cơ sở pháp lý để làm căn cứ quyết định hình phạt là Điều 50 Bộ Luật Hình sự 2015; sửa đổi, bổ sung 2017.
2. Khái niệm quyết định hình phạt?
Quyết định hình phạt là việc tòa án lựa chọn biện pháp hình phạt cụ thể với mức độ hình phạt cụ thể để áp dụng đối với người phạm tội. Quyết định hình phạt đặt ra đối với các trường hợp chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt vì đây là những trường hợp cần thiết phải áp dụng hình phạt nhằm răn đe, trừng trị và giáo dục họ.
Quyết định hình phạt có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh, thể thiện một cách triệt để các quy định của pháp luật đối với công cuộc phòng chống tội phạm. Ngoài ra, quyết định hình phạt là cơ sở để đạt được mục đích của hình phạt khi áp dụng đối với người phạm tội.
3. Các căn cứ quyết định hình phạt
Điều 50 BLHS 2015 quy định căn cứ quyết định hình phạt:
- Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Theo đó, có 4 căn cứ quyết định hình phạt như sau:
- Căn cứ vào quy định của Bộ Luật Hình sự
- Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm
- Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội
- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự
Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài các căn cứ trên, Tòa án còn căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội. Cụ thể các căn cứ quyết định hình phạt như sau:
3.1. Căn cứ quyết định hình phạt là những quy định của Bộ Luật Hình sự
Tòa án phải dựa vào các quy định của Bộ Luật Hình sự để làm căn cứ quyết định hình phạt. Theo đó, tòa án lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể áp dụng cho từng người phạm tội. Các quy định để làm căn cứ quyết định hình phạt này có thể bao gồm: quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 2 Bộ Luật Hình sự), quy định về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội (khoản 1 Điều 3 Bộ Luật Hình sự), các quy định về căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội (Điều 50 Bộ Luật Hình sự), các quy định trong từng tội phạm cụ thể….
Việc xác định các quy định của Bộ Luật Hình sự là căn cứ quyết định hình phạt có ý nghĩa để sự đảm bảo các nguyên tắc ấn định của pháp luật hình sự được thể hiện trong Bộ Luật Hình sự 2015 (Điều 3). Từ căn cứ này, tòa án có thể các định được khung hình phạt cần áp dụng cho người phạm tội.
Để thực hiện 3 bước của quá trình giải quyết vụ án hình sự đó là bước định tội danh, định khung hình phạt và quyết định hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Hình sự để làm sáng tỏ các tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các chế định khác đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự.
3.2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm để quyết định hình phạt
Các khung hình phạt được xác định chủ yếu dựa trên tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Hành vi nào càng nguy hiểm thì khung hình phạt càng cao và ngược lại hành vi nào ít nguy hiểm thì khung hình phạt thấp hơn. Khi quyết định hình phạt cụ thể trong phạm vi khung hình phạt được xác định, tòa án vẫn phải cân nhắc tính chất nguy hiểm của hành vi để đưa ra phán quyết cuối cùng. Có như vậy mới đảm bảo được tính thống nhất trong quyết định hình phạt đối với mọi hành vi phạm tội.
Đối với việc quyết định hình phạt thì căn cứ này có tính chất quyết định nhất, quan trọng nhất. Để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện các yếu tố sau:
- Tính chất của hành vi phạm tội: hành động, không hành động, phạm tội riêng lẻ hay đồng phạm thông thường, phạm tội có tổ chức.
- Thủ đoạn, hoàn cảnh địa điểm, thời gian phạm tội.
- Giai đoạn thực hiện tội phạm.
- Hậu quả thiệt hại.
- Hình thức, mức độ lỗi, động cơ, mục đích phạm tội.
Cũng như các căn cứ khác để quyết định hình phạt, thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một căn cứ được xem xét, đánh giá từ ngay giai đoạn định tội và định khung hình phạt.
3.3. Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội để quyết định hình phạt
Căn cứ này đòi hỏi tòa án khi quyết định hình phạt phải xác định loại và mức hình phạt cụ thể không chỉ tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà còn căn cứ vào nhân thân để đảm bảo mục đích cao nhất là trừng trị và giáo dục tội phạm.
Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm nói lên bản chất của một con người có ảnh hưởng nhất định đến quá trình thực hiện tội phạm và khả năng cải tạo giáo dục người phạm tội. Một số đặc điểm nhân thân của người phạm tội cũng ảnh hưởng tới tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Do vậy, tòa án phải cân nhắc trong tổng thể các đặc điểm nhân thân của người phạm tội liên quan đến hành vi phạm tội và khả năng thực tế đạt được mục đích khi quyết định hình phạt.
Ví dụ: Người nhiều lần phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm hơn người phạm tội lần đầu.
Các đặc điểm về nhân thân người phạm tội được chia làm 2 nhóm:
- Nhóm nhân thân người phạm tội mang tính chất pháp lý: Các đặc điểm nhân thân này được quy định trong Bộ Luật Hình sự đó là các tình tiết định tội (như người có chức vụ quyền hạn của tội tham ô), các tình tiết định khung và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Nhóm nhân thân người phạm tội không mang tính pháp lý: Ngoài nhóm nhân thân kể trên nhưng chúng có ảnh hưởng tới khả năng cải tạo giáo dục người phạm tội (là những đặc điểm nói lên bản chất của người phạm tội). Ví dụ: ý thức chính trị, ý thức lao động, trình độ văn hóa, thành phần gia đình, đối tượng chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đặc điểm này cũng được xem xét cân nhắc khi quyết định hình phạt.
3.4. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt
Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ Luật Hình sự, Điều 52 Bộ Luật Hình sự. Coi các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là căn cứ quyết định hình phạt là một quy định hợp tình hợp lý. Bởi các căn cứ quyết định hình phạt này có ý nghĩa quan trọng trong việc tòa án đưa ra bản án cho người phạm tội.
Nếu họ có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì sẽ giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vừa thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp vừa thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc, quyết tâm trong công cuộc phòng chống tội phạm. Theo đó, người phạm tội có thể đưa ra cư xử phù hợp để mình thuộc các tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng.
Trước khi đi vào phân tích căn cứ quyết định hình phạt là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng mà bạn đọc cần phải lưu ý:
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không chỉ là những tình tiết được quy định tại Điều 51 Bộ Luật Hình sự mà còn có thể là các tình tiết được tòa án xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để cân nhắc đưa ra hình phạt. Sở dĩ có quy định như vậy là do sự vận dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nên các nhà làm luật không giới hạn các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Ngược lại, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ có thể là những tình tiết được quy định tại Điều 52 Bộ Luật Hình sự 2015. Tòa án không được phép sử dụng các tình tiết nào khác để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
- Với những tội phạm cụ thể, nếu các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được pháp luật quy định là dấu hiệu định tội, định khung hình phạt thì không áp dụng các quy định tại các Điều 51, Điều 52 để tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự làm căn cứ quyết định hình phạt:
Tình tiết giảm nhẹ có thể là các tình tiết giảm giảm nhẹ về mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội và tình tiết về hoàn cảnh đặc biệt của họ. Tình tiết giảm nhẹ cũng là một căn cứ quyết định hình phạt.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ quyết định hình phạt bao gồm các tình tiết sau:
- Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm. Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm và nếu không có gì ngăn cản thì tác hại của tội phạm sẽ xảy ra hoặc xảy ra lớn hơn nhưng người phạm tội đã ngăn chặn không để cho tác hại xảy hoặc đã hạn chế được tác hại của tội phạm. Ví dụ: A đâm B 2 nhát sau đó A đưa B đi cấp cứu
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Ví dụ: Người phạm tội có hành động tích cực như giúp đỡ nạn nhân vượt qua những khó khăn do hậu quả tội phạm để lại nhằm làm giảm nhẹ hậu quả tội phạm sau khi đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại.
- Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ Luật Hình sự). Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
- Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Điều 23 Bộ Luật Hình sự). Đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp chủ thể có cơ sở để được hành động trong tình thế cấp thiết nhưng đã vượt quá phạm vi cho phép. Người hành động trong tình thế cấp thiết khi gây ra thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
- Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 Bộ Luật Hình sự). Đây là tình tiết giảm nhẹ mới được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội trong trường hợp này có động cơ bắt giữ người phạm tội nhưng khi thực hiện việc này họ đã dùng vũ ực, gây thiệt hại cho người bị bắt giữ vượt quá mức cần thiết.
- Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn: Đây là trường hợp phạm tội có tình tiết này giống trường hợp phạm tội có tình tiết ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm ở chỗ thiệt hại của tội phạm không xảy ra hoặc xảy ra không lớn nhưng khác nhau ở nguyên nhân dẫn đến việc không xảy ra thiệt hại hoặc xảy ra không lớn.
- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng: Ví dụ: A thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản mà trước đó chưa phạm tội lần nào thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức: Người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do bị chi phối bởi ý chí của người khác thông qua hành vi đe dọa hoặc cưỡng bức. Do bị đe dọa hoặc cưỡng bức nên người phạm tội không hoàn toàn tự do lựa chọn, điều khiển hành vi của mình mà bị buộc phải thực hiện tội phạm theo ý chí của người có hành vi đe dọa hoặc cưỡng bức.
- Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra: Đây là tình tiết mới được quy định trong điểm l khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội trong trường hợp này đã thực hiện tội phạm trong tình trạng bị hạn chế khả năng nhận thức hành vi và tình trạng này không phải do lỗi của chủ thể như do bị lừa dối nên đã sử dụng nhầm chất kích thích mạnh.
- Phạm tội do lạc hậu: Phạm tội do lạc hậu tức là người phạm tội xử sự theo phong tục, tập quán lạc hậu. Ví dụ: Giết người do bị nghi là MaLai của người Bana ở Tây Nguyên.
- Người phạm tội là phụ nữ có thai: Nếu người phụ nữ phạm tội trong thời gian đang mang thai thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết này được qui định chủ yếu là xuất phát từ chính sách nhân đạo nhưng cũng có phần là do tình trạng sức khỏe và tình trạng tâm – sinh lí của người phụ nữ có thể bị ảnh hưởng khi mang thai.
- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên: Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định thay cho tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 1999: “Người phạm tội là người già”. Việc quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ xuất phát chủ yếu từ nguyên tắc nhân đạo và có tính đến đặc điểm tâm – sinh lí ở lứa tuổi này.
- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng: Việc quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Bởi các đặc điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội là người khuyết tật.
- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Ví dụ: A là nhân viên đường sắt làm nhiệm vụ tại rào chắn với đường bộ. Khi có tàu chạy qua, A bị lên cơn sốt rét cấp tính không đủ sức khỏe để kéo rào chắn dẫn đến gây tai nạn.
- Người phạm tội tự thú. Ví dụ: A giết người xong đi tự thú luôn
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải: Là trường hợp người phạm tội cảm thấy cắn rứt, giày vò lương tâm, hối hận, muốn sửa chữa sai lầm. Ví dụ: Sau khi gây thương tích cho B, A đến xin lỗi B, thường xuyên vào viện thăm hỏi, chăm sóc B.
- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án. Ví dụ: Người phạm tội cung cấp tài liệu, chứng cứ, chỉ nơi cất giấu tang vật, chỉ nơi người khác đang trốn.
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội. Ví dụ người phạm tội sau khi thực hiện tội phạm đã có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản đang có nguy cơ bị đe dọa.
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác: Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hướng dẫn vận dụng cho các trường hợp người phạm tội được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng lao động sáng tạo, bằng khen của Chính phủ hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua.
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ: Căn cứ vào điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS thì đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc quy định tình tiết này chủ yếu xuất phát từ chính sách của nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân của liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc.
- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra: Tình tiết giảm nhẹ này được áp dụng với người phạm tội thực hiện tội phạm vì bị chi phối bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do khách quan đưa lại. Trong đó, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hiểu là hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với mức bình thường, có thể do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn hoặc do nguyên nhân khách quan khác.
Ngoài các tình tiết trên, tòa án có thể xác định tình tiết khác như tình tiết đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án (khoản 2 Điều 51 Bộ Luật Hình sự).
Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự làm căn cứ quyết định hình phạt:
- Phạm tội có tổ chức: Là trường hợp đồng phạm mà giữa những người tham gia thực hiện tội phạm có sự cấu kết chặt chẽ. Có thể là cùng bàn bạc, cùng thực hiện và cùng bỏ trốn.
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: thể hiện ở số lần phạm cùng một tội (5 lần) và thu nhập có từ hành vi phạm tội là nguồn thu nhập chính, là một nghề chính của người phạm tội lấy việc phạm tội là phương tiện kiếm sống thường xuyên.. Ví dụ: Một băng nhóm tội phạm chuyên đi trộm cắp đã thực hiện thành công 7 vụ trộm cắp với giá trị tài sản là 600 triệu đồng.
- Phạm tội có tính chất côn đồ: Phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Do đó, tình tiết này chủ yếu áp dụng đối với tội chống người thi hành công vụ, tội gây rối trật tự công cộng.
- Phạm tội vì động cơ đê hèn: Để bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội vì động cơ đê hèn thì phạm tội đã bị thúc đẩy bởi động cơ đê tiện, thấp hèn. Hành vi phạm tội trong trường hợp này thường là những biểu hiện của sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát, ích kỉ… Điển hình là các trường hợp phạm tội đối với người mà mình mang ơn, phạm tội để trốn tránh trách nhiệm mà mình gây ra,…Ví dụ: như phạm tội vì sự trả thù đê tiện.
- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng: Tình tiết này nói lên sự quyết tâm phạm tội cao của người phạm tội. Khi gặp trở ngại khách quan như lúc đang chém người mà bị người khác ngăn cản vẫn không từ bỏ ý định phạm tội.
- Phạm tội 02 lần trở lên: Được hiểu là người phạm tội thực hiện tội phạm từ hai lần trở lên về cùng một loại tội, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các lần đó đều chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và bị đưa ra xét xử cùng một lần.
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được quy định chi tiết tại Điều 53 Bộ Luật Hình sự.
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên: Theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 khi xâm hại tới các đối tượng được pháp luật đặc biệt bảo vệ cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đó là các đối tượng là: người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên. Sở dĩ pháp luật có quy định như vậy là bởi họ là những người có khả năng tự vệ hạn chế hoặc không có khả năng tự vệ.
- Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội. Ví dụ: A lợi dụng việc gây quỹ ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung để trục lợi.
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội: Thủ đoạn xảo quyệt tàn ác là mánh khóe, cách thức thực hiện tội phạm thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc người khác khó lường thấy để đề phòng. Ví dụ: Giả vờ âu yếm tình nhân rồi giết họ.
- Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội: Tình tiết này chỉ đòi hỏi thủ đoạn, công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng, đặt trong điều kiện nhất định có khả năng gây nguy hại cho nhiều người mà không đòi hỏi khả năng đó phải thực sự xảy ra. Nếu chưa gây ra hậu quả, đạt được mục đích của người phạm tội thì người đó vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng này. Ví dụ: đặt bom uy hiếp ở khu đông dân cư.
- Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội: Tình tiết tăng nặng này được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Tình tiết tăng nặng này được hiểu là người phạm tội đã có hành vi dụ dỗ, kích động, thúc đẩy người khác là người chưa đủ 18 tuổi thực hiện tội phạm.
- Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm: Là trường hợp sau khi phạm tội người phạm tội đã có những thủ đoạn tinh vi, hoặc có những hành động bạo lực nhằm mục đích trốn tránh, cản trở việc điều tra phát hiện tội phạm.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội: Trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của mình, người phạm tội có được uy tín, sự ảnh hưởng đối với người khác, vì vậy họ đã lợi dụng điều này để thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gây ảnh hưởng đến uy tín của người cán bộ, uy tín của Nhà nước.