Cách khôi phục thời hiệu trong vụ án tranh chấp dân sự, tư vấn khôi phục về thời hiệu tranh chấp hợp đồng vay tài sản, thời hiệu khởi kiện trong thu hồi nợ của doanh nghiệp.
Mục lục bài viết [ẩn]
I. Làm thế nào để khôi phục thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện là gì?
Thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện dài hay ngắn là do pháp luật quy định cho loại quan hệ pháp luật đó.
Thời hiệu khởi kiện là:
- Thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm
- Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, đối với hợp tranh chấp về đồng vay tài sản thì cần xem xét kỹ hơn để xác định đúng về mặt thời hiệu.
2. Trường hợp nào thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Việc xác định đúng trường hợp nào áp dụng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử tranh chấp của cơ quan Tòa án cũng như bảo vệ quyền lợi của mình.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật dân sự 2015, các trường hợp sau sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
- Trường hợp khác do luật quy định.
Có thể thấy khi khởi kiện vì có tranh chấp về hợp đồng vay tiền, vay tài sản là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của cá nhân/ tổ chức, bởi lúc này quyền lợi của họ đang bị xâm phạm, trường hợp này sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
3. Cách khôi phục khi thời hiệu đã hết
Khôi phục thời hiệu khởi kiện là khôi phục để có hiệu lực pháp luật trở lại về mặt thời gian sau khi thời hạn phát sinh hiệu quả đó đã chấm dứt với những điều kiện do pháp luật quy định. Việc này được thực hiện theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015 quyền khởi kiện có thể được khôi phục nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì tranh chấp về hợp đồng vay tài sản sẽ không bị áp dụng thời hiệu khởi kiện, tức là vốn dĩ thời hiệu khởi kiện đã không mất nên không cần phải khôi phục lại. Theo khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Điều 23. Về thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 159 của BLTTDS
1. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.
Ví dụ 1: Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp;
Ví dụ 2: Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động, thời hiệu khởi kiện về tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm
Ví dụ 3: Đối với tranh chấp về chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác thì theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
“3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), thì giải quyết như sau:
a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.
Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm.
b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Ví dụ 2: Trường hợp người cho thuê tài sản mà có tranh chấp về hợp đồng thuê tài sản thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005. Đối với tranh chấp về đòi lại tài sản cho thuê do người khác đang quản lý, chiếm hữu thì căn cứ hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và điểm b khoản 3 của Điều này không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ 3: Đối với tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mà có tranh chấp về việc ai có quyền sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nếu tranh chấp các giao dịch về quyền sở hữu trí tuệ thì áp dụng thời hiệu tương ứng đối với giao dịch quyền sở hữu trí tuệ đó.“
Vậy nên, theo quy định trên thì đối với tranh chấp cho vay tài sản thì khi phát hiện người vay quỵt nợ hoặc quá thời hạn ba năm thì người cho vay vẫn không mất quyền đòi nợ mà vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định.
II. Tư vấn về khôi phục thời hiệu khởi kiện
1. Tư vấn khôi phục thời hiệu khởi kiện trong thu hồi nợ của doanh nghiệp?
Câu hỏi: Vào tháng 8/2018, Công ty tôi ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với Công ty B, tổng giá trị hợp đồng tới 1 tỷ đồng, thời hạn thanh toán đến cuối tháng 12/2018. Thế nhưng khi hết thời hạn thanh toán thì Công ty B chỉ mới thanh toán được 700 triệu đồng, sau đó Công ty tôi đã nhiều lần yêu cầu Công ty B thanh toán nhưng Công ty B vẫn không phản hồi. Đến nay Công ty tôi quyết định khởi kiện để buộc Công ty B phải thanh toán khoản tiền nợ còn lại, tuy nhiên tôi được biết thời hiệu khởi kiện đã hết. Vậy Công ty tôi có thể khởi kiện để yêu cầu Công ty B trả nợ được không? Nếu như khởi kiện thì có bất lợi gì về phía công ty chúng tôi không? Công ty tôi cần phải làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi của mình?”
Tư vấn trường hợp của anh cụ thể như sau:
Thứ nhất, công ty của anh (công ty A) có thể khởi kiện để yêu cầu công ty B trả nợ.
Như anh đã trình bày, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu công ty B thanh toán khoản nợ từ hợp đồng trên đã hết. Cụ thể, Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Trong trường hợp của anh, công ty B đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ cuối tháng 12/2017 đến nay đã quá 03 năm, tức đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, việc hết thời hiệu khởi kiện không đồng nghĩa với việc công ty A mất quyền khởi kiện. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”.
Theo quy định trên, khi đã hết thời hiệu khởi kiện thì công ty A vẫn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bởi vì Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu của bên phía công ty B theo quy định trên
Thứ hai, một khi đã hết thời hiệu khởi kiện mà khởi kiện thì công ty A sẽ gặp bất lợi
Nếu công ty B không yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án sẽ vẫn thụ lý và giải quyết tranh chấp theo thủ tục thông thường. Ngược lại, nếu công ty B biết thời hiệu khởi kiện đã hết và yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án thì trong trường hợp này, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (nếu rơi vào trường hợp này thì công ty A không còn cơ hội để thu hồi nợ).
Thứ ba, để tránh rủi ro như trường hợp 2 ở trên, công ty A cần xác lập lại thời hiệu khởi kiện trước khi khởi kiện.
Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
Trong trường hợp của anh, dù đã hết thời hiệu khởi kiện, nhưng nếu công ty B vẫn thừa nhận nghĩa vụ của mình với công ty A, và chỉ cần họ thừa nhận một phần nghĩa vụ; thực hiện xong một phần nghĩa vụ; hoặc các bên đã tự hòa giải với nhau thì thời hiệu khởi kiện đều được khôi phục lại. Thời điểm khôi phục lại thời hiệu khởi kiện là ngày tiếp theo kể từ lúc công ty B thừa nhận nghĩa vụ của mình.
Đối với việc chậm thanh toán của công ty B, bởi vì công ty A đã nhiều lần yêu cầu công ty B thanh toán nhưng công ty B vẫn không phản hồi, do đó, để xác định lại thời hiệu khởi kiện một cách hiệu quả, trước tiên công ty A nên tìm hiểu rõ tình hình hoạt động, quan điểm, thái độ của công ty B đối với khoản nợ. Anh có thể tiến hành một số biện pháp như: tiếp tục đàm phán giải quyết để thu hồi công nợ với thái độ bình tĩnh; tìm cách đối chiếu xác nhận lại công nợ khi có điều kiện hoặc có thể làm việc, hòa giải lại với công ty B về việc xác định lại, điều chỉnh lại thời hạn thanh toán trên hợp đồng… Các hình thức gặp và làm việc trực tiếp, gửi văn bản, tin nhắn… có thể là cơ sở buộc công ty B phải thừa nhận khoản nợ đối với công ty A. Khi đó, thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại kể từ ngày tiếp sau ngày xảy ra một trong số các sự kiện này.
Như vậy, từ việc xác lập lại thời hiệu khởi kiện, công ty A có thể thực hiện các thủ tục để khởi kiện công ty B mà không cần bận tâm về vấn đề thời hiệu đã hết như hiện nay.
2. Tư vấn khôi phục thời hiệu tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Khôi phục thời hiệu tranh chấp hợp đồng vay tài sản là một vấn đề được đặt ra khi các hợp đồng, giao dịch dân sự trong xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp. Hiện nay trường hợp cá nhân, tổ chức có các thỏa thuận với nhau để thực hiện hợp đồng vay tiền hoặc vay tài sản là một hoạt động rất phổ biến. Hoạt động này được pháp luật điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật dân sự, để đảm bảo sự ổn định của xã hội, lợi ích chung của cộng đồng, cũng như quyền, lợi ích chung của tập thể, cá nhân.
Pháp luật quy định về hợp đồng vay tài sản:
Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có cho chúng ta biết khái niệm về hợp đồng vay tài sản, theo đó đây là sự thỏa thuận giữa các bên:
- Bên cho vay giao tài sản cho bên vay;
- Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại và trả lãi theo thỏa thuận giữa các bên.
- Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.
Các bên có thể giao kết, thỏa thuận về việc vay thông qua các hình thức không chỉ bằng văn bản mà còn có thể bằng lời nói, đồng thời qua những tin nhắn giữa hai bên trao đổi với nhau về vấn đề vay tiền này thì nó vẫn có giá trị về mặt pháp lý, hai bên vẫn có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận. Pháp luật hiện nay không quy định hình thức của hợp đồng vay tiền bắt buộc phải lập thành văn bản.
Tranh chấp đối với loại hợp đồng vay tài sản:
“Tranh chấp hợp đồng” vay tài sản xảy ra khi có ý kiến không thống nhất của các bên về việc đánh giá hành vi vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc cách thức giải quyết hậu quả phát sinh từ vi phạm đó.
Việc giải quyết vấn đề này được thể hiện qua nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài và các nội dung khác liên quan, đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng bằng một phương thức chọn lựa phù hợp để nhằm:
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp
- Đảm bảo trật tự pháp luật và kỷ cương xã hội, giáo dục được ý thức tôn trọng pháp luật của công dân
- Góp phần chủ động ngăn ngừa các vi phạm Hợp đồng.
» Toàn bộ thời hiệu khởi kiện Dân sự, Hành chính, Thương mại