Các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư và các trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư
Theo quy định của Luật luật sư năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012; Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH ngày 31/12/2015 về hợp nhất Luật luật sư; Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 của Bộ Tư pháp quy định về hướng dẫn tập sự nghề luật sư; Văn bản hợp nhất 4529/VBHN-BTP ngày 26/11/2018 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư được quy định cụ thể như sau:
1. Người được miễn đào tạo nghề luật sư bao gồm:
– Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên;
– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật;
– Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;
– Đã là thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
2. Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư
Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng kể từ ngày Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư ra quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là bốn tháng; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là sáu tháng (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013).
Cụ thể như sau:
– Trường hợp được miễn tập sự hành nghề luật sư là: Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
– Trường hợp được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư (thời gian tập sự hành nghề luật sư là bốn tháng): Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
– Trường hợp được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư (thời gian tập sự hành nghề luật sư là sáu tháng): Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì.
Lưu ý: Người đã bị xử lý hình sự hoặc xử lý kỷ luật đến mức bị cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên; tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật hoặc đã bị thu hồi quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật thì không được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định.
3. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:
– Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trong trường hợp đã được xóa án tích;
– Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.