Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý), gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?
1. Bồi thường thiệt hại, theo Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015
“Điều 13. Bồi thường thiệt hại
Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Bồi thường thiệt hại gồm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, không có quy định nào định nghĩa bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Dù vậy, có thể hiểu, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm khi một người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại.
Theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự, không phải mọi trường hợp người gây thiệt hại đều phải bồi thường thiệt hại. Cụ thể:
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, chỉ khi không có thỏa thuận khác hoặc Luật không có quy định khác và nếu thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của bên thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
Trong đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự).
2. Các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Mục 3 từ Điều 594 đến Điều 608 Bộ luật Dân sự nêu một số trường hợp người gây thiệt hại phải bồi thường ngoài hợp đồng. Cụ thể:
– Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Nếu trong giới hạn phòng vệ chính đáng thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Ngược lại thì người này phải bồi thường.
– Trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết: Người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
– Do người dùng chất kích thích như uống rượu hoặc dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi gây ra.
– Do người của pháp nhân gây ra: Pháp nhân phải bồi thường khi người gây thiệt hại là người của pháp nhân đó và đang làm nhiệm vụ do pháp nhân giao.
– Do người thi hành công vụ gây ra: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
– Do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì trường học, bệnh viện, pháp nhân trực tiếp quản lý phải bồi thường thiệt hại trừ khi chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý.
– Do người làm công, người học nghề gây ra: Người quản lý người làm công, người học nghề phải bồi thường và có quyền yêu cầu những người này hoàn trả một khoản tiền nếu họ có lỗi trong việc gây thiệt hại.
– Do nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ… gây ra: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại.
– Do làm ô nhiễm môi trường: Người làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường kể cả người này không có lỗi.
– Do súc vật gây ra: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại.
– Do cây cối gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
– Do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại. Người thi công có lỗi thì phải liên đới bồi thường.
– Do xâm phạm thi thể: Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
– Do xâm phạm mồ mả: Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
– Do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
» Tư vấn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
» Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng