Đổ chất bẩn vào nhà con nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hỏi: Hàng xóm nhà tôi có vay tiền của một người nhưng chưa trả được. Gần đây, hàng xóm nhà tôi thường bị một số kẻ lạ mặt đổ sơn, thậm chí là chất bẩn vào cửa nhà và đã phải thay cửa vì không thể khử được mùi. Trường hợp này xử lý như thế nào, thưa luật sư? Trần Anh Thiện (Hà Đông, Hà Nội)
Luật sư trả lời: Hiện nay, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể như sau:
– Về xử phạt hành chính:
Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt theo quy định sau:
+ Phạt tiền từ 500.000 đống đến 1.000.000 đồng hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng “Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;” (theo điểm d, khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung “Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;” (theo điểm a, khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” (theo điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
– Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi tạt sơn và chất bẩn vào nhà người khác là hành vi gây rối trật tự công cộng và có thể gây ra thiệt hại về tài sản. Do đó, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 2 tội danh sau:
+ Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự:
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
+ Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật…”.
Công ty luật TNHH An Ninh trả lời trên anninhthudo.vn