Xử lý với nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm tiến độ thi công

Xử lý với nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm tiến độ thi công, mức phạt vi phạm tối đa được áp dụng trong hợp đồng xây dựng? Giao dịch dân sự trong xây dựng đều được đảm bảo tính hợp pháp thông qua hợp đồng. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng bắt buộc giữa bên mời thầu và bên nhận thầu hoặc giữa các chủ thể khác tham gia trong gói thầu, quá trình thi công xây dựng. Trong hợp đồng xây dựng có nêu các quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên kí kết. Theo đó, khi nhận thấy một trong hai bên có hành vi vi phạm hợp đồng thì có thể bị xử lý vi phạm. Vậy, xử lý với nhà thầu vi phạm hợp đồng, thi công chậm tiến độ được quy định như thế nào theo Luật xây dựng năm 2014?

Xử lý với nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm tiến độ thi công

1. Xử lý với nhà thầu vi phạm hợp đồng, thi công chậm tiến độ thi công

Hỏi: Công ty A có tham gia dự thầu và trúng thầu. Bên tôi đã tiến hàng thương thảo và ký hợp đồng để thực hiện gói thầu. Tiếp đó chúng tôi cũng đã thỏa thuận về thời hạn nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Hợp đồng thực hiện từ quý III năm 2018 đến nay thì bên công ty A không đảm bảo tiến độ như đã thỏa thuận do mâu thuẫn nội bộ công ty. Trong trường hợp này, chúng tôi giải quyết thế nào? Tôi xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn chậm tiến độ xây dựng:

Theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành, cụ thể tại Điều 146, Khoản 1, Luật Xây dựng 2014 thì việc thực hiện dự án chậm tiến độ của các nhà thầu thì các nhà thầu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên còn lại tham gia ký kết vào hợp đồng xây dựng dự án đầu tư đó. Việc thưởng, phạt hợp đồng xây dựng sẽ các được các bên thỏa thuận và ghi vào trong hợp đồng.

Việc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, các nhà thầu thường sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải. Khi ký kết hợp đồng, các bên tiến hành thỏa thuận với nhau về mức thưởng phạt và ghi rõ vào trong hợp đồng. Do đó, khi xét thấy các hành vi vi phạm thì bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp sau:

– Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

– Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

– Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

– Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Như vậy, đối với tình trạng chậm tiến độ của các dự án nói trên như hiện nay, các nhà thầu sẽ phải thực hiện việc nộp phạt theo thỏa thuận và bồi thường thiệt hại cho phía Bộ Giao thông vận tải

Bởi lẽ, theo Khoản 2, Điều 146, Luật Xây dựng 2014 thì đối với một dự án cứ kéo dài thêm một ngày, thì các chi phí để tiến hành thi công sẽ bị cộng dồn và tăng lên và nhiều dự án như vậy thì chi phí cộng dồn sẽ càng lớn. Chính vì vậy, đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và pháp luật có liên quan khác

Theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư giải quyết như sau:

Thứ nhất: Chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó.

Thứ hai: Phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu.

Thứ ba: Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó. 

Lưu ý:

+ Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu.

+ Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác.

Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Như vậy, trong trường hợp này, bên chủ đầu tư có thể chấm dứt hợp đồng làm việc với nhà thầu là Công ty A và khối lượng công việc còn lại có thể chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu mới hoàn thiện số công việc còn lại. Bên cạnh đó, công ty A phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên còn lại tham gia ký kết vào hợp đồng xây dựng dự án đầu tư đó dựa trên hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Trong trường hợp sử dụng vốn nhà nước thì mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Ngoài ra, trường hợp công ty A không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương đương với mức tổn hại gây ra.

2. Mức phạt vi phạm tối đa được áp dụng trong hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014 và Luật Thương mại 2005 đều có quy định về mức phạt vi phạm tối đa và các quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại BLDS 2015. Do đó, trong trường hợp này, quy định của Luật Xây dựng 2014 và Luật Thương mại 2005 về mức phạt vi phạm tối đa đối với các hợp đồng chịu sự điều chỉnh tương ứng của Luật Xây dựng 2014 và Luật Thương mại 2005 sẽ được áp dụng nhiều hơn so với BLDS 2015.

Luật Xây dựng 2014 quy định về hợp đồng được hiểu là hợp đồng xây dựng bao gồm hợp đồng xây dựng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước và công trình không sử dụng vốn nhà nước.

– Đối với hợp đồng xây dựng có sử dụng vốn nhà nước thì áp dụng nguyên tắc xử phạt sau:  Hợp đồng xây dựng của công trình có sử dụng vốn nhà nước, do Luật Xây dựng 2014 (với tư cách là luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ hợp đồng xây dựng) đã có quy định cụ thể về mức phạt vi phạm tối đa (cụ thể là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm), nên quy định của Luật Xây dựng 2014 sẽ được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại 2005 và BLDS 2015;

– Đối với hợp đồng xây dựng có sử dụng vốn tư nhân thì áp dụng nguyên tắc xử phạt sau: hợp đồng xây dựng của công trình không sử dụng vốn nhà nước, do Luật Xây dựng 2014 không có quy định cụ thể về mức phạt vi phạm tối đa, nên quy định của Luật Thương mại 2005 (với tư cách là luật chuyên ngành có quy định về vấn đề này không trái với nguyên tắc cơ bản của BLDS 2015) sẽ được ưu tiên áp dụng so với Luật Xây dựng 2014 và BLDS 2015. Theo Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm áp dụng cho mọi hợp đồng thương mại sẽ được áp dụng cho hợp đồng xây dựng đáp ứng điều kiện là hợp đồng thương mại (bao gồm cả hợp đồng xây dựng của công trình không sử dụng vốn nhà nước).

– Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.

– Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xâm hại tới thân thể, quyền lợi, tài sản của bên kia, bên bị tổn hại có quyền yêu cầu bên kia gánh chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

– Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định như sau:

+ Khi giải quyết bồi thường hoặc tranh chấp trong hợp đồng phải tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;

+ Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong ký kết hợp đồng trong các gói đấu thầu, có thể xảy ra nhiều trường hợp vi phạm và phải xử lý theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi giữa hai bên. Việc xử phạt hành vi vi phạm hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp như xử phạt hợp đồng có sử dụng vốn nhà nước, hợp đồng sử dụng vốn tư nhân.

» Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng