Xem xét, thẩm định tại chỗ

Trình tự phiên xem xét thẩm định tại chỗ trong vụ án tranh chấp đất đai. Xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án, chứng minh cho quyền khởi kiện của nguyên đơn tranh chấp đất là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ được pháp luật quy định. 

Trình tự phiên xem xét thẩm định tại chỗ trong vụ án tranh chấp đất đai 

» Thủ tục ngăn chặn nhà, đất đai đang có tranh chấp

1. Xem xét, thẩm định tại chỗ được quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS)

“Điều 101. Xem xét, thẩm định tại chỗ

1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.

2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

4. Thẩm phán có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.”

2. Xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án tranh chấp đất đai

Xem xét thẩm định tại chỗ trong vụ án tranh chấp đất đai nhằm giúp cho cơ quan tố tụng xác định chính xác nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng và tình trạng sử dụng đất có tranh chấp, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Việc xem xét, thẩm định tại chỗ được tiến hành nhằm xem xét nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất, cụ thể là: 

  • Xác định hiện trạng sử dụng đất do ai quản lý
  • Vị trí, kích thước, hình dạng thửa đất tranh chấp
  • Tình trạng thừa đất (đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đã đăng ký địa chính, tài sản gắn liền với đất,…)
  • Tài sản gắn liền với đất, việc đầu tư cơi nới, sửa chữa so với ban đầu, nguồn gốc hình thành tài sản)
  • Đất giáp ranh với thửa đất liền kề
  • Thực hiện đo vẽ hiện trạng nhà đất tranh chấp, xem xét vật tư kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất.

3. Quy định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ có nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án quy định tại (Điều 156 BLTTDS 2015).

Trường hợp Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ khi cần thiết thì nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

Căn cứ theo quy định tại (Điều 157 BLTTDS 2015) trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí được xác định như sau:

  • Đương sự phải chịu chi phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
  • Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. 

4. Trình tự thủ tục thực hiện

4.1. Nội dung đơn yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ

  • Ngày, tháng, năm làm đơn
  • Tên đơn yêu cầu (Đơn yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ)
  • Tên cơ quan có thẩm quyền (Tòa án nơi đang thụ lý và giải quyết vụ án)
  • Trình bày lý do yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ
  • Chữ ký (ghi đầy đủ họ và tên) của người yêu cầu. 

4.2. Trình tự thực hiện xem xét, thẩm định tại chỗ

Bước 1: Đương sự nộp đơn yêu cầu gửi đến Tòa án. (Mẫu đơn yêu cầu về việc xem xét thẩm định tại chỗ), kèm theo là các tài liệu, chứng cứ liên quan đến tranh chấp đất. 

Bước 2: Sau khi nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán sẽ tiến hành các công việc xem xét, thẩm định tại chỗ. 

Bước 3: Lập biên biên xem xét, thẩm định tại chỗ. Biên bản ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định hoặc điểm chi của đương sự (nếu có mặt), của các cơ quan có thẩm quyền khác.

Bước 4: Thẩm phán ban hành quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ. Nội dung quyết định được quy định tại (khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP). Quyết định được gửi cho UBND cấp xã, đồng thời gửi cho đương sự để họ biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ quy định tại (khoản 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP).

Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ là nguồn chứng cứ quan trọng trong việc giải quyết vụ án tranh chấp đất đai, làm sáng tỏ được tình tiết vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng  của đương sự. 

» Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai

» Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai

Nếu không có ký, đóng dấu của Ủy ban xã thì Biên bản thẩm định tại chỗ có được xem là chứng cứ không?

Theo như quy định tại Điều 101 nêu trên, thì sau khi lập xong biên bản thẩm định tại chỗ, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận. Như vậy, ngoài Ủy ban nhân dân xã thì Công an xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định đều có thể ký tên và đóng dấu xác nhận và biên bản thẩm định tại chỗ. Cho nên nếu Uỷ ban nhân dân xã không ký tên và đóng dấu xác nhận vào biên bản, mà có Công an xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên, đóng dấu thì biên bản thẩm định tại chỗ này vẫn có giá trị và cũng được xem là chứng cứ vì việc thẩm định này được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.