Trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự

Trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự năm 2015 là văn bản có tính pháp lý cao nhất quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự tại Toà án. Yêu cầu, trưng cầu giám định được ghi nhận là biện pháp thu thập chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự, và còn được quy định trong Luật chuyên ngành là Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). 

Tư vấn yêu cầu trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự

1. Quy định trưng cầu giám định, yêu cầu giám định 

1.1. Cơ sở pháp lý Trưng cầu giám định

Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định là biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 102 BLTTDS 2015:

1. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. 

Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định. 

Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết. 

Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. 

Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp”.

Bên cạnh đó, biện pháp này được quy định chi tiết tại luật chuyên ngành là Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

1.2. Hình thức tiến hành trưng cầu giám định, yêu cầu giám định

Việc trưng cầu giám định, yêu cầu giám định đều hướng tới mục tiêu chung là bản kết luận giám định có nội dung kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động giải quyết vụ việc dân sự theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu của người yêu cầu giám định, theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và BLTTDS năm 2015, để có kết luận giám định, có thể tiến hành bằng hai hình thức gồm Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định:

Trưng cầu giám định là hình thức do Tòa án tiến hành ra Quyết định trưng cầu giám định khi đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết. Có thể thấy biện pháp thu thập chứng cứ trưng cầu giám định là biện pháp thu thập chứng cứ do Tòa án tiến hành dựa trên cơ sở yêu cầu của đương sự, trường hợp đương sự không có yêu cầu nhưng nếu xét thấy việc trưng cầu giám định là cần thiết nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ khoa học để tìm đến sự thật khách quan của vụ án và vạch ra kế hoạch giải quyết vụ án đúng hướng vì nó sẽ cung cấp cho Thẩm phán những thông tin chuyên môn mà bản thân Thẩm phán cũng như đương sự không tự mình biết được thì Tòa án có thể tự quyết định việc trưng cầu giám định.

Yêu cầu giám định là việc đương sự tự mình yêu cầu tổ chức giám định thực hiện việc giám định với điều kiện tiên quyết là đương sự đã yêu cầu Tòa án thực hiện việc trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự (Khoản 1 Điều 102 BLTTDS).

Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018):

Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định”.

Nội hàm điều luật trên ghi nhận, việc Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự được thể hiện dưới 02 dạng hành vi là trực tiếp ban hành thông báo từ chối yêu cầu, và dạng hành vi thứ hai là “sự im lặng” của Tòa án khi không có văn bản thể hiện việc chấp thuận hay không chấp thuận yêu cầu khi đã hết thời hạn thông báo là 07 ngày. Việc thừa nhận 02 dạng hành vi nêu trên, thực tiễn gặp phải khó khăn trong trường hợp Tòa án không ban hành văn bản từ chối, thì đương sự chứng minh cho tổ chức được yêu cầu giám định như thế nào về việc Tòa án không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự?

Bên cạnh đó, quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Đối với những yêu cầu giám định được đưa ra sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm đều không được chấp nhận, thực tiễn áp dụng quy định trên phát sinh một số bất cập như sau:

Thứ nhất, hiểu như thế nào về “quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm”. Bởi, sau khi yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định và bị Tòa án từ chối thì đương sự mới có quyền tự yêu cầu giám định. Vậy xác định thời hạn quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm có ý nghĩa giúp Tòa án, đương sự xác định được đầy đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, tránh những chứng cứ tài liệu mới phát sinh làm thay đổi toàn diện vụ án, ảnh hưởng chất lượng tranh tụng, tiếp cận chứng cứ của các đương sự. Theo cách hiểu như vậy sẽ gặp phải bất cập (bất cập này được nêu tại đoạn sau của bài viết), ngoài ra mặc dù yêu cầu giám định đưa ra trước thời điểm Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử tuy nhiên kết luận giám định nhận được sau thời điểm trên thì liệu ý nghĩa nêu trên có được đảm bảo. Ngoài ra, khi gửi tài liệu giám định, thì người yêu cầu chỉ cần chứng minh văn bản về việc Tòa án không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định, nay quy định nêu trên đồng nghĩa với việc người yêu cầu phải gửi kèm cả tài liệu chứng minh vụ việc dân sự đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì liệu có phù hợp? và tài liệu chứng minh này là tài liệu gì?

Thứ hai: Pháp luật chỉ xác định thời điểm chấm dứt quyền mà không có thời hạn tối thiểu thực hiện quyền yêu cầu giám định dẫn đến nhiều trường hợp quyền yêu cầu không được thực hiện. Cụ thể, thời điểm xác lập quyền yêu cầu của đương sự là thời điểm Tòa án thông báo không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định, vậy vấn đề đặt ra trong trường hợp thời điểm này là thời điểm gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử dẫn đến việc Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, do đó thời hạn này rất ngắn, và đương sự không kịp thực hiện yêu cầu giám định của mình. Vướng mắc trên được minh chứng trong vụ án sau:

Ngày 01/02/2019, Tòa án thụ lý yêu cầu tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn A và bị đơn B. Ngày 20/5/2019, B yêu cầu Tòa trưng cầu giám định hợp đồng vay tài sản vì cho rằng chữ ký của B bị giả mạo. Ngày 27/5/2019, Tòa án ban hành văn bản không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của B và cho rằng hợp đồng này đã được chứng thực chữ ký do đó cần coi đây là chứng cứ. Sau đó do sắp hết thời hạn chuẩn bị xét xử nên ngày 30/5/2019 Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Có thể thấy, thời hạn thực hiện yêu cầu, làm thủ tục giám định đối với B chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 ngày, dẫn đến nhiều trường hợp B không thể thực hiện được yêu cầu của mình.

Thiết nghĩ, cần có quy định về việc Tòa án phải bảo đảm thời hạn tối thiểu cho đương sự thực hiện yêu cầu giám định của mình là 15 ngày, nếu thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết, thì cần coi đây là căn cứ để gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Thứ ba, thời điểm cuối cùng để có thể đưa ra yêu cầu giám định là “trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử”, có thể thấy khoản 1 Điều 102 BLTTDS 2015 tiếp tục kế thừa nội dung quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012, theo quan điểm của chúng tôi là không phù hợp. Bởi: BLTTDS 2015 đã bổ sung hoạt động tố tụng rất quan trọng trong thời gian chuẩn bị xét xử đó là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, tại phiên họp này các bên đương sự được tiếp cận hồ sơ vụ việc, các chứng cứ, tài liệu đối phương đưa ra nhằm có sự nhìn nhận khách quan, toàn diện về vụ án, những chứng cứ có lợi, bất lợi đối với mình. Như vậy có thể coi đây là một “phiên tòa trù bị” mà tố tụng dân sự 2015 đã ghi nhận. Mặt khác, khoản 5 Điều 94 BLTTDS 2015 ghi nhận Kết luận giám định cũng được công nhận là một nguồn chứng cử và sẽ được coi là chứng cứ nếu việc giám định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định; do đó cần thiết phải có sự sửa đổi theo hướng thu hẹp thời hạn thực hiện quyền yêu cầu giám định của đương sự là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, để các bên đương sự có thể tiếp cận được một cách đầy đủ, toàn diện chứng cứ trong đó bao gồm cả kết luận giám định.

1.3. Nội dung Quyết định trưng cầu giám định

Hiện nay, các giám định tư pháp được sử dụng phổ biến như là giám định chữ viết, dấu vân tay, giám định gien ADN, giám định xây dựng, giám định hàng hóa, giám định sức khỏe, thương tật… việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề trưng cầu giám định do giám định viên thực hiện. Tòa án phải căn cứ vào các quy định trong Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018) và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp 2012 để ra quyết định trưng cầu giám định. Theo mẫu số 06-DS ban hành kèm theo Nghị quyết Số: 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ các nội dung:

– Các thông tin cơ bản của vụ việc dân sự;

– Loại hình trưng cầu giám định: lần đầu, bổ sung hay giám định lại

– Trường hợp áp dụng là do đương sự có yêu cầu hay Tòa án xét thấy cần thiết.

– Đối tượng cần giám định (ví dụ: đối với chữ ký của người bán trong hợp đồng mua bán tài sản hoặc đối với chữ viết trong bản di chúc do bị đơn giao nộp cho Toà án).

– Tên, địa chỉ của tổ chức được trưng cầu giám định hoặc họ, tên và địa chỉ của người được trưng cầu giám định.

– Những vấn đề cần giám định và các yêu cầu cụ thể cần có kết luận giám định.

– Các tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo, số lượng cụ thể, ký hiệu;

– Thời hạn tổ chức giám định tư pháp hoặc giám định viên được trưng cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Toà án.

1.4. Giám định bổ sung, giám định lại

1.4.1. Giám định bổ sung

Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.

Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó (Khoản 3 Điều 102 BLTTDS). Tương tự như thủ tục giám định lần đầu, việc giám định bổ sung cũng dựa trên yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án tiến hành trưng cầu giám định bổ sung, cần lưu ý giám định bổ sung là giám định những nội dung, những vấn đề chưa được giám định mà có liên quan đến việc giám định lần đầu.

Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý đặt ra là, pháp luật không điều chỉnh trường hợp Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định bổ sung của đương sự thì đương sự có quyền tự mình yêu cầu trưng cầu giám định hay không?

1.4.2. Giám định lại

Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp (Khoản 5 Điều 102 BLTTDS 2015).

Có 03 trường hợp giám định lại được pháp luật quy định đó là: có căn cứ cho rằng kết luận lần đầu không chính xác; có vi phạm pháp luật; trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao. Về các trường hợp này, tác giả xin trao đổi về trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận lần đầu không chính xác, cụ thể như sau:

Như nội dung trên đã đề cập, Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp (Khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp). Như vậy, để có được kết luận giám định đòi hỏi chủ thể thực hiện là người có chuyên môn, ngoài ra cần có phương tiện, máy móc chuyên dụng thì khi đó mới đưa ra được kết luận giám định. Vậy quy định của pháp luật ghi nhận trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận lần đầu không chính xác chúng tôi cho rằng không hợp lý, bởi lẽ chỉ bằng mắt thường không thể nào xác định, đánh giá được một kết luận giám định có chính xác hay không, vậy căn cứ ở đây mà điều luật hướng tới là căn cứ nào, liệu có khả thi hay không? Vấn đề này cần được cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn để quy phạm trên được áp dụng trong thực tiễn.

2. Kiến nghị hoàn thiện

Để quy định về biện pháp trưng cầu giám định, yêu cầu giám định được áp dụng thống nhất, chính xác, hiệu quả trong thực tiễn, thiết nghĩ nhà làm luật cần có sự sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn những vấn đề nêu sau:

– Thứ nhất, ghi nhận việc từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của Tòa án phải được thực hiện bằng văn bản trong thời hạn luật định, để bảo đảm quyền lợi của đương sự trong việc tiếp tục thực hiện các thủ tục tự mình yêu cầu giám định.

– Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn chấm dứt quyền tự yêu cầu giám định và thời hạn tối thiểu Tòa án phải bảo đảm cho đương sự thực hiện yêu cầu của mình. Cụ thể khoản 1 Điều 102 BLTTDS cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

Tòa án cần bảo đảm thời hạn để đương sự tự yêu cầu trưng cầu giám định không dưới 15 ngày”.

Thứ ba, Ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giám định lại, giám định bổ sung, đồng thời giải thích hướng dẫn các căn cứ áp dụng giám định lại, giám định bổ sung. 

nguồn Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

» Mẫu đơn đề nghị trưng cầu giám định

» Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án