Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu là như thế nào?

Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu là như thế nào? Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, pháp luật trao cho đương sự quyền được thay đổi, bổ sung yêu cầu. Tuy nhiên, quyền hạn đó cũng có sự giới hạn nhất định nhằm tạo ra sự thống nhất trong quá trình giải quyết; tránh ảnh hưởng đến quá trình thu thập, xác minh chứng cứ chứng minh của yêu cầu mới và trên hết là hướng đến đảm bảo quyền lợi cho các bên trong vụ án. Nếu chấp nhận yêu cầu mới đồng nghĩa với việc không cho bên còn lại thời gian chuẩn bị để phản bác yêu cầu mới đó. Nếu không chấp nhận yêu cầu mới thì lại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người yêu cầu mà phải giải quyết bằng một vụ án khác.

Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu cần hiểu như thế nào?

Theo đó, quyền sửa đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự sẽ được chia thành 2 trường hợp:

1. Trước khi diễn ra phiên tòa:

Đương sự sẽ được quyền “Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mà không cần quan tâm đến phạm vi sửa đổi, bổ sung yêu cầu đó hẹp hơn, rộng hơn, nhiều hơn yêu cầu cũ trước đó như thế nào. Hay nói cách khác, trong giai đoạn này, việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự không bị giới hạn phạm vi được quy định:

Khoản 4 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Quyền, nghĩa vụ của đương sự:

4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.”

2. Tại phiên tòa:

Khoản 1 Điều 244 về Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu:

 “1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

Theo đó, tại phiên tòa, pháp luật giới hạn phạm vi được sửa đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự là phải đảm bảo “Không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu”.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định hiện hành về cách hiểu thế nào là “yêu cầu khởi kiện ban đầu”, chúng ta sẽ phần nào nhìn nhận được “vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện” là như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về phạm vi khởi kiện: 

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

Như vậy, yêu cầu khởi kiện ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 244 được hiểu là yêu cầu khởi kiện ban đầu gồm một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau.

Như vậy, vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là trường hợp tại phiên tòa, đương sự thay đổi, bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu.

Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn thi hành về việc “không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu” là như thế nào?.

3. Về án phí

Nếu chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu này của nguyên đơn thì nguyên đơn nộp án phí như thế nào?

Theo mục 7 phần II Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 thì nguyên đơn không phải làm lại đơn khởi kiện và không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với phần yêu cầu thay đổi, bổ sung đó. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu này chỉ cần ghi vào biên bản phiên tòa. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu đó thì phải ghi rõ trong bản án.

» Luật sư tranh tụng tại Tòa án