Phạm vi khởi kiện và quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện

Phạm vi khởi kiện và quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Phạm vi khởi kiện của đương sự được thể hiện trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập. Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án phải xác định đúng và đầy đủ yêu cầu của đương sự trong vụ án.

Tư vấn phạm vi khởi kiện và quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện

1. Phạm vi khởi kiện của đương sự

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự quy định tại khoản 1 Điều 5 của BLTTDS năm 2015 như sau:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.”

Theo quy định này thì trong vụ án dân sự, đương sự gồm: nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền quyết định phạm vi yêu cầu để Tòa án xem xét, giải quyết. Đồng thời Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự. 

Do vậy, thực tế vẫn có một số vụ án khi xét xử sơ thẩm bị Tòa án cấp trên hủy bản án với lý do: 

+ Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của đương sự. 

+ Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết hết yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Phạm vi khởi kiện tại Điều 188 BLTTDS như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

2. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.”

2. Thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án

Quyền, nghĩa vụ của đương sự Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của BLTTS năm 2015: 

“4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.”

Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự được thực hiện trước khi Tòa án mở phiên tòatại phiên tòa.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự cũng được Tòa án chấp nhận. Tại tại mục 7, Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án có giải đáp như sau:

“Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.

Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu tại khoản 1 Điều 244 của BLTTDS năm 2015 cũng có quy định như sau:

“Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”.

Như vậy, nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được Tòa án chấp nhận. Còn nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hoặc tại phiên tòa thì Tòa án chỉ chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu ghi trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập. 

» Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu là như thế nào?

» Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án