Tư vấn về quy định mức phạt vi phạm Hợp đồng xây dựng

Tư vấn về quy định mức phạt vi phạm Hợp đồng xây dựng. Quy định về thưởng và mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng như thế nào? Trường hợp nào các bên phải bồi thường vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng xây dựng? 

Tư vấn mức thưởng, phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật Thương mại 2005
  • Luật Xây dựng sửa đổi 2020

1. Quy định về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 (bị thay thế một cụm từ bởi điểm c khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), thưởng, phạt hợp đồng được thực hiện như sau:

– Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.

– Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và pháp luật có liên quan khác.

Trong trường hợp công trình không sử dụng vốn ngân sách, nếu các bên vẫn không thỏa thuận mức phạt trong hợp đồng, thì khi tranh chấp xảy ra, sẽ áp dụng mức phạt 8% theo Luật Thương mại 2005 hay 12% như theo Luật Xây dựng 2014?

Trường hợp các bên không thỏa thuận mức phạt trong hợp đồng, nếu hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng thì áp dụng các quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Theo Khoản 6, Điều 7 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, những nội dung chưa được quy định tại Nghị định này, các bên phải căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện (Luật Thương mại, Luật Dân sự…).

2. Quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng xây dựng

Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.

Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 cụ thể như sau:

– Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;

– Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.

Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 như sau:

– Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

– Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

– Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

– Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia (khoản 5 Điều 146 Luật Xây dựng 2014).

Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 146 Luật Xây dựng 2014).

Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xâm hại tới thân thể, quyền lợi, tài sản của bên kia, bên bị tổn hại có quyền yêu cầu bên kia gánh chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan (khoản 7 Điều 146 Luật Xây dựng 2014).

3. Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Căn cứ theo khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng như sau:

– Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;

– Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật. 

» Xử lý với nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm tiến độ thi công

» Tư vấn xử phạt vi phạm chậm tiến độ hợp đồng xây dựng?