Hình thức kinh doanh được đánh giá là thành công nhất trong kinh tế thị trường hiện đại đó là Nhượng quyền thương mại – franchise.
Theo thống kê, 90% doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thương mại trên 110 quốc gia đều làm ăn có lãi bất chấp những biến động của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, “thị trường franchise còn sơ khai, tuy nhiên với những thế mạnh: ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng mạnh, dân số đông, đang trong thời kì hội nhập và mở cửa với thị trường thế giới nên kinh doanh nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn.
Sau nhiều năm lao động tại nước ngoài, tôi tích cóp được một số vốn và bây giờ muốn mở cửa hàng kinh doanh đồ ăn vì nghĩ đây là nhu cầu thiết yếu. Tôi có tìm hiểu qua một số cửa hàng thì thấy theo mô hình nhượng quyền rất hay vì mình được sử dụng thương hiệu và cách thức hoạt động của các thương hiệu đã thành công.
Câu hỏi: Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là nếu kinh doanh mặt hàng ăn uống theo kiểu nhượng quyền tại thời điểm này liệu có thích hợp không?
Trả lời: Để có thể trả lời câu hỏi của bạn, với tư cách là một đơn vị tư vấn luật, đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp tiến hành đăng ký nhượng quyền vào Việt Nam, theo quan điểm của tôi, thời điểm nào để có thể tiến hành nhận nhượng quyền đối với lĩnh vực ăn uống thì bạn cần phải có những hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu về thị hiếu của người tiêu dùng và đặc biệt là nghiên cứu mô hình kinh doanh nhượng quyền của những thương hiệu lớn đã từng thành công ở các quốc gia khác.
Đối với hoạt động nhượng quyền ở Việt Nam thì đây vẫn là một mô hình mới, hiện tại, có chưa tới 200 công ty tiến hành đăng ký hoạt động nhượng quyền trong đó chỉ có một số công ty nhượng quyền trong lĩnh vực nhà hang ăn uống.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện tại có khoảng 93 triệu dân, tốc độ đô thị hoá cao, vì vậy, thị trường cung cấp dịch vụ ăn uống còn tiềm năng đặc biệt là đối với những dịch vụ nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam chưa có sự hiện diện của những thương hiệu này.
Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn khi tiến hành kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam đó là vấn đề thuê mặt bằng để kinh doanh, hiện tại, việc thuê mặt bằng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là khó khăn và chi phí cao, đặt biệt là mặt tiền tại những con phố lớn.
Bên cạnh đó, theo cam kết của WTO, Việt Nam hiện nay đã mở cửa đối với thị trường nhà hàng cho nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, trước đây, người nước ngoài chỉ được kinh doanh nhà hàng khi nhà hang đó nằm trong một khách sạn, một tổ hợp do nhà đầu tư kinh doanh nhưng hiện tại, hạn chế này đã được gỡ bỏ và nhà đầu tư có thể mở trực tiếp nhà hang tại Việt Nam, đây thực sự cũng là một thách thức cho các nhà đầu tư là Việt Kiều muốn nhận nhượng quyền của những thương hiệu lớn khi vào Việt Nam.
Câu hỏi: Số vốn tối thiểu là bao nhiêu?
Trả lời: Pháp luật không quy định về số vốn tối thiểu hay còn gọi là vốn pháp định khi kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam.
Số vốn tối thiểu trong trường hợp nhận nhượng quyền thì nhà đầu tư cần phải nghiên cứu bản giới thiệu về hoạt động nhượng quyền của bên nhượng quyền trong đó có ghi về mức vốn tối thiểu mà bên nhận nhượng quyền phải có trong năm đầu tiên và năm tiếp theo để nhà đầu tư tính toán chi phí và có kế hoạch huy động vốn để kinh doanh.
Câu hỏi: Nếu làm thì tôi nên chuẩn bị những gì?
Trả lời: Với tư cách là bên nhận nhượng quyền thì nhà đầu tư cần chuẩn bị các nội dung sau:
1.Chuẩn bị về vốn để có thể đáp ứng yêu cầu của đơn vị cấp nhượng quyền.
2. Tiềm hiểu một thương hiệu xem thương hiệu đó đã tiến hành nhượng quyền tại Việt Nam hay chưa và có thể cấp quyền cho mình kinh doanh ở Việt Nam hay không?
3. Cần tiến hành lập doanh nghiệp tại Việt Nam với ngành nghề kinh doanh ăn uống.
Câu hỏi: Khi đưa thương hiệu ăn uống của nước ngoài về Việt Nam thì cần lưu ý những quy định pháp lý nào?
Trả lời: Hiện nay, hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam được điều chỉnh bằng các văn bản như Luật thương mại, Nghị định số 35 hướng dẫn luật thương mại về hoạt động nhượng quyền và Thông tư 09 của Bộ Công thương.
Theo quy định của những văn bản pháp luật nêu trên, hoạt động nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam thì bên nhượng quyền trước khi ký hơp đồng với bên thứ 3 cần tiến hành đăng ký hoạt động nhượng quyền đối với Bộ công thương Việt Nam.
Mô hình kinh doanh nhượng quyền phải tồn tại ở nước ngoài ít nhất là môt năm thì mới có thể đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam.
Đối với bên nhận nhượng quyền, theo quy định của luật thì cần phải là doanh nghiệp, Nam có đăng ký kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống.
Sau đó, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam trên cơ sở thoả thuận giữa hai bên.
Một lưu ý quan trọng là khi kinh doanh nhượng quyền đối với lĩnh vực nhà hàng ăn uống, bên nhận nhượng quyền cũng cần quan tâm tới những thủ tục pháp lý sau:
– Cần xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
– Cam kết bảo vệ môi trường.
– Nếu nhà hàng có bán rượu thì cần phải xin Giấy phép bán lẻ rượu.
Câu hỏi: Phí nhượng quyền có thể thương lượng được không?
Trả lời: Đối với phí nhượng quyền là một trong những điều khoản chủ yếu và bắt buộc phải ghi trong Hợp đồng nhượng quyền giữa bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền.
Tuy nhiên, mức phí nhượng quyền thì pháp luật cho phép các bên có thể thoả thuận trong quá trình thương thảo và ký kết hợp đồng.
Bên nhận nhượng quyền cần nghiên cứu các điều kiện đưa ra của bên nhượng quyền trong đó có vấn đề phí nhượng quyền, tiến hành đàm phán với bên nhận nhượng quyền về vấn đề này.
Câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bên nhận nhượng quyền đổi ý trong một thời gian ngắn sau khi ký hợp đồng nhượng quyền?
Trả lời: Khi kinh doanh nhượng quyền, trong hợp đồng nhượng quyền và bản giới hiệu nhượng quyền, thông thường bên nhượng quyền sẽ đưa ra các điều kiện trong đó có điều khoản thay đổi và chấm dứt hoạt động nhượng quyền.
Căn cứ vào hơp đồng đã ký kết, trong trường hợp bên nhận nhượng quyền có bất kỳ khó khăn, trở ngại gì về vấn đề thực hiện và mong muốn sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng thì cần thông báo với bên nhượng quyền để tiến hành đàm phán và sửa đổi các điều khoản để phù hợp với nhu cầu của các bên.
Câu hỏi; Những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện nhượng quyền?
Trả lời: Những rủi ro về hoạt động nhượng quyền nằm ở khía cạnh kinh tế và pháp lý. Ở khía cạnh kinh tế thì có thể nhìn nhận là trong hoạt động kinh doanh, không phải lúc nào cũng thành công, vì vậy khi tiến hành đàm phán ký kết hợp đồng, bên nhận nhượng quyền cần hiểu rõ những điều kiện để có thể chấm dứt hoạt động nhượng quyền và rút ra khỏi thị trường một cách có trật tự.
Về rủi ro về mặt pháp lý chủ yếu nằm trong vấn đề nội dung của hợp đồng, khi ký kết, bên nhận nhượng quyền cần tìm hiểu rõ là bên nhượng quyền đã đăng ký hoạt động nhượng quyền ở Việt Nam hay chưa, nếu chưa đăng ký thì phải yêu cầu họ đăng ký mới đủ điều kiện thực thi.
Thông thường, một bản giới thiệu nhượng quyền gồm nhiều điều khoản với những ràng buộc hết sức chặt chẽ và phức tạp, để tránh rủi ro pháp lý, bên nhận nhượng quyền có thể yêu cầu sự trợ giúp pháp lý của các luật sư tư vấn để phân tích, hiểu được các điều khoản cụ thể của hợp đồng.