Tội giết người với hậu qủa chết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (Điều 93 và Điều 104 BLHS 1999)
Cả hai tội này đều có hậu quả là chết người ở mặt khách quan. Nhưng ở mặt chủ quan thì hoàn toàn khác nhau.
Về tội giết người thì ý chí chủ quan của người thực hiện là nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của người thông qua hành động của mình, các hành động này có thể được thực hiện bởi các phương tiện với nguy hiểm, và thực hiện trên các điểm trọng yếu trên cơ thể hoặc các cơ quan khác dẫn đến sự chết của người bị xâm hại. Nếu dưới góc độ của người buộc tội, thường có xu hướng nghiêng về tội này hơn.
Về tội cố ý gây thương tích, người thực hiện cũng tấn cộng hoặc bỏ mặc cho người bị xâm hại với ý chí chủ quan là tạo ra thương tích hay sự đau đớn. Với tội danh này, người xâm hại cố ý tạo nên thương tích cho người bị xâm hại ở mức và phạm vi không gây ra sự chết ngay tức khắc và theo quy luật thông thường của sinh học.
Nếu trong trường hợp gây chết người, thì do ngoài ý muốn của người xâm hại, và do những yếu tố khác tác động vào không nằm trong tính toán của người xâm hại.
Vai trò là luật sư bào chữa, chúng ta phải tìm mọi cách để có thể chứng minh được rằng ý chí của thân chủ chỉ là gây ra thương tích cho người bị xâm hại.
Thông thường ta nên xoáy sâu vào vấn đề động cơ gây ra thương tích, các yếu tố về mối quan hệ và tương quan trong sự việc để phủ nhận động cơ giết người của thân chủ.
Chúng ta cần phải vận dụng và xét đến các yếu tố như phương tiện, sự chuẩn bị và quá trình cường độ diễn ra sự xâm hại, chứng minh các yếu tố khách quan dẫn đến sự chết mà không phải nguyên nhân trực tiếp từ thương tích, hoặc chứng minh được rằng thương tích đó xét về vị trí, mức độ không đủ khả năng dẫn đến chết người trực tiếp và diễn ra trong thời gian ngắn, nếu có điều kiện cứu chữa thông thường cũng sẽ an toàn tính mạng. Và người xâm hại không thấy trước được hậu quả chết người sẽ diễn ra theo một quá trình nào đó.
Trường hợp cố ý gây thương tích dù không chết người cũng rất khó phân biệt và bị các cơ quan tố tụng khép vào tội giết người với trường hợp phạm tội chưa đạt. Rất có thể cơ quan tố tụng sẽ cáo buộc thân chủ ta “giết người và hậu quả chết người không xảy ra là do ngoài ý muốn”. Làm được đầy đủ các ý trên, ta có thể tránh cho thân chủ ta bị khép vào tội giết người.
Thực tế không hề đơn giản khi gỡ tội cho thân chủ ta trong các trường hợp này, đòi hỏi luật sư ngoài hiểu biết về chuyên môn pháp luật còn phải có kỹ năng và hiểu biết quy luật tâm lý, sinh học và các thói quen văn hoá xã hội thực tế cũng như bãn lãnh hùng biện. Dĩ nhiên càng không rõ ràng thì là cơ hội để cho luật sư sử dụng kỹ năng “mềm hơn”
Điều 93. Tội giết người
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.