Thuê thám tử tư theo dõi, có bị coi là phạm pháp không?

Thuê thám tử tư theo dõi, có bị coi là phạm pháp không? Pháp luật chưa có khung pháp lý điều chỉnh cụ thể các hoạt động thám tử tư. Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực (ngày 01/07/2015), ngành nghề “kinh doanh dịch vụ thám tử tư” đã được đưa ra khỏi danh sách ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Theo đó, hiện nay việc kinh doanh dịch vụ thám tử tư là được phép. Trước đây, tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại 2005 còn hiệu lực, Chính phủ đã có quy định: “cấm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và nhân viên của doanh nghiệp tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức“. Bên cạnh đó, Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp có cũng quy định tại khoản 1 Điều 7 cũng ghi nhận về việc cấm “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Như vậy, tuy rằng pháp luật hiện nay không đưa ra luật định cấm hành vi theo dõi người khác nhưng hành vi theo dõi ấy phải đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật cho phép, theo đó nó không xâm hại và ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của người bị theo dõi. Bởi, pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như:

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định quyền về bí mật đời tư của công dân như sau:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.”

Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, theo đó:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ….”

Tại Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định về việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng: 

“Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ”.

Trong hoạt động điều tra thám tử của mình, thám tử tư có thể thực hiện nhiều hoạt động bí mật của mình như chụp ảnh đối tượng, theo dõi hành vi, hành động của đối tượng. Tuy nhiên, khi thu thập được các chứng cứ này, bên phía công ty thám tử hay người yêu cầu điều tra sẽ hoàn toàn không được phép đăng tải bất cứ điều gì lên các trang mạng trực tuyến hoặc lên các trang báo nếu chưa được người bị theo dõi đồng ý. Nếu không, tất cả những hoạt động điều tra và tự ý đăng tải này sẽ bị quy trách nhiệm về việc vi phạm pháp luật. Cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thám tử bất hợp pháp tùy theo mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự như sau:

+ Trách nhiệm hành chính:

Việc dùng những thông tin thu thập được từ hoạt động thám tử mà xâm phạm bí mật đời tư, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với những hành vi “Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;”

+ Trách nhiệm hình sự:

Người có hành vi xâm phạm bí mật đời tư có thể bị xử lý về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015); Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015).

theo thuvienphapluat.vn

» Luật sư tư vấn luật hình sự

» Tư vấn tội đe dọa giết người