Thủ tục yêu cầu tòa án áp dụng thời hiệu trong vụ án dân sự. Là người bị kiện, người liên quan trong vụ án tranh chấp dân sự, thì khi nào đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu cũng như thủ tục yêu cầu áp dụng theo đúng quy định của pháp luật để tòa án áp dụng. Do Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Tòa án không đương nhiên áp dụng quy định về thời hiệu trong giải quyết vụ việc dân sự khi đương sự không có yêu cầu trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.
Mục lục bài viết
Khi nào tòa án áp dụng thời hiệu trong giải quyết vụ án tranh chấp dân sự?
1. Căn cứ áp dụng thời hiệu khởi kiện
Theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Theo Điều 144 BLDS 2015 về thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác; có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
Tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 về thời hạn và khoản 2 Điều 184 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) về thời hiệu khởi kiện, quy định
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
2. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Đối với các tranh chấp thông thường, khi hết thời hiệu khởi kiện thì người có quyền sẽ mất đi quyền khởi kiện của mình. Tuy nhiên, trong các trường hợp quy định tại Điều 155 BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện sẽ không được áp dụng:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu;
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;
- Tranh chấp khác do luật quy định.
3. Các trường hợp được kéo dài thời hiệu
Thởi hiệu khởi kiện được kéo dài khi xảy ra các sự kiện được qui định tại Điều 156 BLDS năm 2015 như sau:
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Lưu ý: Các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo Điều 157 BLDS 2015 gồm:
- Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện.
2. Hệ quả pháp lý của việc Toà án áp dụng thời hiệu
Theo điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 về Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quy định đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sau khi thụ lý vụ án.
Sau khi Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sẽ xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và đương sự nhận lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu có yêu cầu.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự nhận lại quyết định đình chỉ.
Trong trường hợp thời hiệu khởi kiện vẫn còn, đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và khi thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung được qui định tại BLTTDS 2015 gồm các giai đoạn:
- Thụ lý vụ án
- Thủ tục hoà giải vụ án
- Chuẩn bị xét xử
- Mở phiên toà xét xử
Như vậy, Tòa án chỉ được đình chỉ giải quyết vụ án khi có yêu cầu của đương sự về việc áp dụng thời hiệu. Tuy nhiên, đương sự chỉ được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định. Khi Tòa án nhận được yêu cầu áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án thì Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của pháp luật để xem xét yêu cầu khởi kiện còn hay hết thời hiệu, nếu còn thì Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung, nếu hết thời hiệu thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đã hết thời hiệu.
» Đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện
» Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự