Quyết định 139/QĐ-BTV năm 2020 quy định bảo vệ quyền và lợi ích của luật sư

Quyết định 139/QĐ-BTV năm 2020 quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề luật sư. Phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư được bảo vệ.

LIÊN ĐOÀN LUẬT SỰ
VIỆT NAM
BAN THƯỜNG VỤ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 139/QĐ-BTV

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2020

 QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA LUẬT SƯ BỊ XÂM PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

BAN THƯỜNG VỤ

Căn cứ Luật Luật sư;

Căn cứ Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

Căn cứ Quy chế làm việc của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, các cơ quan giúp việc và đơn vị trực thuộc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-HĐLSTQ ngày 04/02/2016 của Hội đồng Luật sư toàn quốc;

Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-BTV ngày 03/10/2020 của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Xét đề nghị của Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề luật sư.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ nhiệm các Ủy ban, trưởng các cơ quan giúp việc và đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Chủ nhiệm và Ban chuyên môn hoặc người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc các Đoàn Luật sư, luật sư thành viên, người tập sự hành nghề luật sư, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Như điều 3;
– Bộ Tư pháp (để b/c);
– Cục Bổ trợ Tư pháp – BTP;
– Lưu VP.

TM. BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN
CHỦ TỊCH


LS.TS. Đỗ Ngọc Thịnh

 QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA LUẬT SƯ BỊ XÂM PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-BTV ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

1. Quy định về hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Đoàn Luật sư và các cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư bị xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp và có yêu cầu tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư bảo vệ.

2. Phân định thẩm quyền của các chủ thể tham gia bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư khi tiếp nhận, xử lý yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trong quá trình hành nghề luật sư.

3. Xác định phạm vi đối tượng được bảo vệ nhằm giúp cho các chủ thể bảo vệ nhận diện đúng các hành vi xâm phạm để thiết lập biện pháp bảo vệ chính xác và đúng thẩm quyền.

4. Xác định trình tự gửi yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Đoàn Luật sư, luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư khi bị xâm phạm trong quá trình hành nghề luật sư.

5. Đối tượng thực hiện quy định bao gồm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Đoàn Luật sư, các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động bảo vệ, các luật sư thành viên và tổ chức hành nghề bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình hành nghề và có yêu cầu bảo vệ.

Điều 2. Phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư được bảo vệ

1. Các quyền và nghĩa vụ của luật sư được pháp luật quy định là cơ sở để luật sư thực hiện chức năng xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp.

2. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình hành nghề.

3. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính vi phạm pháp luật ảnh hưởng tới việc tổ chức hoạt động của Đoàn Luật sư, thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

4. Các hành vi của các chủ thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của luật sư.

5. Đối với người tập sự hành nghề luật sư, tuỳ từng trường hợp cụ thể Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư sẽ xem xét và can thiệp bằng hình thức phù hợp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Liên đoàn: là cụm từ viết tắt tên Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

2. Ủy ban Bảo vệ: là cụm từ viết tắt tên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

3. Chủ thể bảo vệ: là các chủ thể thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, bao gồm: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Đoàn Luật sư và các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư.

4. Chủ thể bị xâm phạm gồm: Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư là thành viên Đoàn Luật sư và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam bị các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình hành nghề luật sư.

5. Chủ thể xâm phạm gồm: cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình hành nghề luật sư.

6. Chủ thể giải quyết gồm: cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết đối với hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình hành nghề luật sư.

7. Quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư: là các khách thể được bảo vệ quy định tại Điều 3 của Quy định này.

Điều 4. Nguyên tắc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Độc lập, khách quan, công khai, nhanh chóng và kịp thời.

3. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cá nhân để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.

Điều 5. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề

1. Đoàn Luật sư tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình hành nghề. Đối với các vụ việc mà chủ thể nói trên có yêu cầu bảo vệ gửi trực tiếp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam (không gửi hoặc gửi đồng thời cho Đoàn Luật sư) thì Liên đoàn chuyển yêu cầu về Đoàn Luật sư giải quyết theo thẩm quyền.

2. Ủy ban Bảo vệ sẽ giải quyết các yêu cầu mà Đoàn Luật sư đã có văn bản bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật sư nhưng không nhận được kết quả giải quyết của chủ thể xâm phạm hoặc kết quả giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật; các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm liên quan đến chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền hành nghề của luật sư; các yêu cầu có nhiều tình tiết phức tạp; mang tính chất cấp thiết, nghiêm trọng hoặc trường hợp chủ thể giải quyết liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương.

3. Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư tiếp nhận giải quyết các vụ việc xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy định này.

Điều 6. Trình tự gửi yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề

1. Khi có hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư thì luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư có quyền gửi văn bản đến Đoàn Luật sư mà mình là thành viên để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

2. Đoàn Luật sư ban hành văn bản gửi đến chủ thể xâm phạm. Nếu quá thời hạn chưa được giải quyết hoặc kết quả giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật thì Đoàn Luật sư tiếp tục ban hành văn bản đến chủ thể xâm phạm, đồng thời đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết. Chủ thể bị xâm phạm không phải làm văn bản gửi cho Liên đoàn.

3. Trường hợp chủ thể bị xâm phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà gửi yêu cầu đến Liên đoàn sẽ được Liên đoàn thông báo lại Đoàn Luật sư.

Điều 7. Trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong quá trình hành nghề tại Đoàn Luật sư

1. Đoàn Luật sư tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề, Văn phòng Đoàn Luật sư quản lý vào sổ và trình Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư xem xét. Ban Chủ nhiệm giao hồ sơ yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm cho Ban chuyên môn hoặc Người phụ trách công tác bảo vệ của Đoàn Luật sư. Người phụ trách công tác bảo vệ có thể mời chủ thể bị xâm phạm đến làm rõ sự việc, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, tiến hành các biện pháp xác minh, đưa ra các nhận định, đánh giá vụ việc, báo cáo Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư để đưa ra biện pháp giải quyết vụ việc.

2. Đối với vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng, Người phụ trách công tác bảo vệ dự thảo văn bản trình Chủ nhiệm Đoàn Luật sư xem xét ký văn bản gửi đến các chủ thể có thẩm quyền giải quyết và chủ thể đã có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư.

3. Đối với vụ việc liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo hoặc hành vi vi phạm trình tự tố tụng thì Đoàn Luật sư hướng dẫn luật sư hoặc tổ chức hành nghê luật sư thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hoặc các bộ luật Tố tụng. Trường hợp chủ thể bị xâm phạm đã tiến hành gửi các loại đơn nêu trên đến các cơ quan có thẩm quyền thì yêu cầu chờ kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp Đoàn Luật sư gửi văn bản nhiều lần đến chủ thể xâm phạm mà không được giải quyết hoặc kết quả giải quyết không phù hợp pháp luật, Đoàn Luật sư có thể gửi văn bản báo cáo lên Liên đoàn xem xét giải quyết đồng thời thông báo cho chủ thể bị xâm phạm được biết.

5. Đối với những vụ việc phức tạp, có tính cấp thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm của luật sư, Đoàn Luật sư khi nhận được đơn yêu cầu của luật sư thì thông báo ngay cho Liên đoàn để Liên đoàn giao cho Ủy ban Bảo vệ kịp thời phối hợp, hỗ trợ và có biện pháp bảo vệ.

6. Đối với vụ việc xảy ra tại một địa phương nhưng xâm phạm đến quyền và lợi ích của luật sư ở các Đoàn Luật sư khác nhau, các Đoàn Luật sư cần chủ động phối hợp với Đoàn Luật sư nơi xảy ra hành vi vi phạm để giải quyết. Đoàn Luật sư sở tại có trách nhiệm tạo điều kiện giúp đỡ các Đoàn Luật sư khác trong quá trình giải quyết vụ việc.

7. Đối với người tập sự hành nghề Luật sư, nếu bị người hướng dẫn tập sự xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thì Đoàn Luật sư hướng dẫn thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại Luật Luật sư và Luật Khiếu nại. Nếu chủ thể xâm phạm là cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước thì áp dụng theo khoản 5 Điều 3 của Quy định này.

Điều 8. Trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong hành nghề tại Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư

1. Liên đoàn khi nhận đơn yêu cầu bảo vệ của các chủ thể bị xâm phạm thì Văn phòng Liên đoàn vào sổ quản lý sau đó trình Thường trực Liên đoàn đơn và các tài liệu kèm theo để giao Ủy ban Bảo vệ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

2. Văn phòng Liên đoàn chuyển toàn bộ hồ sơ (bản scan) của vụ việc cho Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ và các thành viên Ủy ban Bảo vệ theo hòm thư điện tử (email) đã đăng ký để các thành viên nghiên cứu đề xuất ý kiến về nội dung yêu cầu, phương pháp, cách thức giải quyết vụ việc hoặc phối hợp với Đoàn Luật sư và các Ủy ban khác để giải quyết.

3. Tuỳ theo nội dung, tính chất của vụ việc, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ có thể ấn định thời hạn cho các thành viên Ủy ban gửi ý kiến đề xuất về Ủy ban Bảo vệ nhằm bảo đảm nguyên tắc kịp thời trong hoạt động bảo vệ. Một số vụ việc phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban có thể phân công một số thành viên Ủy ban phối hợp với Đoàn Luật sư địa phương tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, tổ chức các cuộc họp, trưng cầu ý kiến của các nhà chuyên môn…trong quá trình giải quyết.

4. Các ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Bảo vệ phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, có căn cứ pháp lý và kịp thời.

5. Sau khi tổng hợp ý kiến đề xuất của các thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ thông báo ý kiến sau cùng về vụ việc cho các thành viên Ủy ban, đồng thời giao bộ phận giúp việc dự thảo văn bản, gửi dự thảo văn bản cho Phó chủ tịch Liên đoàn phụ trách Ủy ban, Chủ nhiệm và các thành viên Ủy ban xem xét thông qua. Nếu các thành viên Ủy ban không còn ý kiến, Ủy ban Bảo vệ trình Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban ký văn bản và phát hành.

Điều 9. Hoạt động phối hợp giữa Ủy ban Bảo vệ với các Đoàn Luật sư, các Ủy ban, đơn vị của Liên đoàn trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư

Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ủy ban, đơn vị của Liên đoàn. Trong trường hợp cần thiết, việc phối hợp giữa các Ủy ban, đơn vị của Liên đoàn được áp dụng trong các trường hợp cụ thể như sau:

1. Vụ việc có nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều đơn vị trong Liên đoàn.

2. Hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều thành viên thuộc các Đoàn Luật sư khác nhau.

3. Những vụ việc có nội dung phức tạp, tính chất nghiêm trọng, khẩn cấp; liên quan đến nhiều chủ thể có thẩm quyền giải quyết hoặc liên quan đến kiến nghị tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động luật sư.

4. Vụ việc thuộc thẩm quyền của Đoàn Luật sư nhưng trong một số trường hợp đặc biệt Đoàn Luật sư yêu cầu các Ủy ban của Liên đoàn cùng phối hợp giải quyết.

5. Ủy ban Bảo vệ là đầu mối chủ động phối hợp với các đơn vị khác trong việc xử lý giải quyết yêu cầu bảo vệ luật sư đảm bảo kịp thời và hiệu quả. Ủy ban Bảo vệ thực hiện việc giải quyết yêu cầu bảo vệ theo quy trình nêu tại Điều 8 của Quy định này. Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ ban hành văn bản thông báo đến các đơn vị có trách nhiệm phối hợp giải quyết.

Điều 10. Thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư

1. Thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ là khoảng thời gian chủ thể bảo vệ thực hiện xong một biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo vệ.

2. Tuỳ theo nội dung vụ việc, tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm, thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ được quy định như sau:

2.1. Đối với vụ việc nội dung rõ ràng, đủ tài liệu, chứng cứ thì thời hạn giải quyết là 07 ngày làm việc, kể từ ngày chủ thể bảo vệ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo vệ.

2.2. Đối với các vụ việc có tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ… thì thời hạn giải quyết là 15 ngày, kể từ ngày chủ thể bảo vệ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo vệ.

2.3. Trường hợp vụ việc xảy ra tại một địa phương nhưng xâm phạm đến nhiều luật sư ở các địa phương khác nhau, thì thời hạn giải quyết được tính cho chủ thể bảo vệ là Đoàn Luật sư đầu mối phối hợp với các Đoàn Luật sư trong quá trình giải quyết vụ việc. Thời hạn giải quyết là 30 ngày, kể từ ngày chủ thể bảo vệ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo vệ.

2.4. Trường hợp đã giải quyết lần đầu theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chưa được xem xét, giải quyết, hành vi xâm phạm vẫn tồn tại thì thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ lần kế tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả giải quyết của chủ thể giải quyết lần đầu.

Điều 11. Các hoạt động bổ trợ công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư.

1. Văn phòng Liên đoàn, chuyên viên được phân công giúp việc Ủy ban Bảo vệ có trách nhiệm thực hiện công tác thống kê, theo dõi, đề xuất việc tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm trong công tác bảo vệ; soạn thảo tài liệu, đề xuất với Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ để tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân sự phụ trách công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề tại các Đoàn Luật sư.

2. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu vụ việc do Ủy ban Bảo vệ tiếp nhận, giải quyết được thực hiện theo chế độ quản lý hồ sơ của Văn phòng Liên đoàn về chế độ văn thư, lưu trữ do Nhà nước quy định.

3. Kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề luật sư sẽ được Liên đoàn thanh toán theo các Quy định về tài chính của Liên đoàn.

Điều 12. Hiệu lực thi hành và việc sửa đổi, bổ sung

1. Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề luật sư đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư việt Nam thông qua và có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do Ban Thường vụ Liên đoàn quyết định theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư hoặc Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam./.

» Quyết định 1319/QĐ-BTP 2018 cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc quản lý Bộ tư Pháp

» Luật sư bảo vệ quyền lợi trong vụ án dân sự