Quyền lợi của người được giao rừng được quy đinh tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 tại các Điều 73, 81, 82, 83 về quyền của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ; rừng sản xuất và cho thuê rừng sản xuất.
Tư vấn quyền lợi của người được giao rừng
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.
- Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng phòng hộ.
- Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng.
- Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.
- Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; được hưởng từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.
- Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.
- Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.
- Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.
- Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng.
- Được khai thác lâm sản theo quy định (Đối với rừng phòng hộ được quy định tại Điều 55; đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định tại Điều 58; đối với rừng sản xuất là rừng trồng được quy định tại Điều 59 của Luật Lâm nghiệp). Cụ thể như sau:
Điều 55. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ.
- Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.
- Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ được quy định như sau:
- Được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ;
- Được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.
- Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, được quy định như sau:
- Được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định;
- Được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng;
- Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.
Điều 58. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
- Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:
a) Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. - Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp này và Quy chế quản lý rừng.
Điều 59: Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng
- Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.
- Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.
- Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Quy chế quản lý rừng.