Quy trình đăng ký sáng chế

Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế bao gồm những giai đoạn sau sau khi nộp đơn đăng ký sáng chế như sau:

1. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký sáng chế
Các thủ tục thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký sáng chế được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại điểm 13 và điểm 14 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

2. Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

2.1 Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế
a) Người nộp đơn hoặc bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ và được cụ thể hoá như sau:
(i) Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải thể hiện bằng văn bản làm theo mẫu 03-YCTĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hoặc được thể hiện trong tờ khai đơn đăng ký sáng chế (nếu người yêu cầu là người nộp đơn và yêu cầu đó được đưa ra ngay khi nộp đơn);
(ii) Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải được nộp trong thời hạn 42 tháng kể từ ngày ưu tiên, nếu trong đơn có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế, hoặc trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ưu tiên nếu yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung có thể kéo dài, nhưng không quá 06 tháng nếu có lý do xác đáng;
(iii) Người yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải nộp phí tra cứu và phí thẩm định nội dung theo quy định; nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp muộn hơn thời hạn ấn định, người yêu cầu phải nộp thêm lệ phí gia hạn theo quy định tại điểm 20.4.b của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN; nếu không nộp phí thẩm định nội dung, yêu cầu thẩm định nội dung nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ bị coi là không hợp lệ và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không tiến hành thẩm định nội dung đơn.

b) Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế nộp sau ngày công bố đơn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong tháng thứ hai kể từ ngày nhận được yêu cầu; nếu yêu cầu đó do người thứ ba đưa ra thì yêu cầu đó được thông báo cho người nộp đơn.
Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế nộp trước ngày công bố đơn được công bố cùng với đơn tương ứng.

c) Trường hợp không có yêu cầu thẩm định nội dung nộp trong thời hạn quy định tại điểm 25.1.a trên đây, đơn bị coi như được rút bỏ tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.

2.2 Trình tự thực hiện thủ tục thẩm định nội dung
Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế được tiến hành theo trình tự chung quy định tại điểm 15 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và theo quy định cụ thể tại điểm này.

2.3 Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và loại văn bằng bảo hộ sáng chế

a) Đối tượng nêu trong đơn đăng ký sáng chế bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ sáng chế mà người nộp đơn yêu cầu được cấp (Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích) nếu đối tượng đó không phải là giải pháp kỹ thuật, cụ thể không phải là sản phẩm hoặc quy trình. Cách nhận dạng giải pháp kỹ thuật được quy định tại điểm 25.3.b dưới đây.

b) Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế – là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỉ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;
Quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định.

c) Đối tượng nêu trong đơn không được coi là giải pháp kỹ thuật trong các trường hợp sau đây:
(i) Đối tượng nêu trong đơn chỉ là ý tưởng hoặc ý đồ, chỉ nêu (đặt) vấn đề mà không phải là cách giải quyết vấn đề, không trả lời được câu hỏi “bằng cách nào” hoặc/và “bằng phương tiện gì”;
(ii) Vấn đề (nhiệm vụ) được đặt ra để giải quyết không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết được bằng cách thức kỹ thuật;
(iii) Các sản phẩm tự nhiên, không phải là sản phẩm sáng tạo của con người.

2.4 Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp (theo quy định tại Điều 62 của Luật Sở hữu trí tuệ)

a) Giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là “có thể thực hiện được” nếu:
(i) Các thông tin về bản chất của giải pháp cùng với các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật cần thiết được trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tạo ra, sản xuất ra hoặc có thể sử dụng, khai thác hoặc thực hiện được giải pháp đó;
Khái niệm “người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng” được hiểu theo quy định tại điểm 23.6.a của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
(ii) Việc tạo ra, sản xuất ra, sử dụng, khai thác hoặc thực hiện giải pháp nêu trên có thể được lặp đi lặp lại với kết quả giống nhau và giống với kết quả nêu trong bản mô tả sáng chế.

b) Giải pháp kỹ thuật bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
(i) Bản chất của đối tượng hoặc các chỉ dẫn nhằm thực hiện đối tượng đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học (ví dụ không tuân theo nguyên lý bảo toàn năng lượng…);
(ii) Đối tượng bao gồm các yếu tố, thành phần không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc không thể liên hệ (ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc …) được với nhau;
(iii) Đối tượng có chứa mâu thuẫn nội tại;
(iv) Chỉ có thể thực hiện được các chỉ dẫn về đối tượng trong một số giới hạn lần thực hiện (không thể lặp đi lặp lại được);
(v) Để có thể thực hiện được giải pháp, người thực hiện phải có kỹ năng đặc biệt và kỹ năng đó không thể truyền thụ hoặc chỉ cho người khác được;
(vi) Kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất với nhau;
(vii) Kết quả thu được khác với kết quả nêu trong đơn;
(viii) Hoàn toàn không có hoặc thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp;
(ix) Các trường hợp có lý do xác đáng khác.

2.5 Đánh giá tính mới (theo quy định tại Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ)

a) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong các nguồn bắt buộc sau đây (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó):

Tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm định – tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày công bố sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định;
Các đơn xin đăng ký cấp bằng sáng chế hoặc các văn bằng bảo hộ sáng chế do các tổ chức, quốc gia khác công bố, trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu sáng chế có tại Cục Sở hữu trí tuệ và các nguồn thông tin khác do Cục Sở hữu trí tuệ quy định, với phạm vi tra cứu quy định tại điểm 25.5.a (i) trên đây.

Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến các báo cáo khoa học, báo cáo kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu và các tài liệu khác thuộc cùng lĩnh vực kỹ thuật được công bố và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

b) Mục đích tra cứu
Mục đích của việc tra cứu thông tin là tìm giải pháp kỹ thuật có bản chất tương tự hoặc trùng lặp với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn.
Trong điểm này:
(i) Hai giải pháp kỹ thuật được coi là trùng nhau khi có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);
(ii) Hai giải pháp kỹ thuật được coi là tương tự nhau khi có phần lớn các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);
(iii) “Giải pháp kỹ thuật đối chứng” là giải pháp kỹ thuật trùng hoặc tương tự gần nhất với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;
(iv) “Tài liệu đối chứng” là tài liệu đã mô tả giải pháp kỹ thuật đối chứng hoặc chứng cứ chứng minh giải pháp kỹ thuật đối chứng đã được bộc lộ công khai.

c) Báo cáo tra cứu
Kết quả tra cứu thông tin phải được thể hiện trong báo cáo tra cứu, trong đó phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm trong phạm vi đó (thống kê các giải pháp kỹ thuật đối chứng tìm thấy được, chỉ rõ các dấu hiệu trùng nhau, tên tài liệu đối chứng, số trang, số dòng, nguồn gốc tài liệu và ngày công bố của tài liệu tương ứng) và phải nêu họ tên người lập báo cáo (người tra cứu).

d) Cách đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật
Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của giải pháp kỹ thuật đó với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đối chứng được tìm thấy trong quá trình tra cứu thông tin; trong đó:
(i) Dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật có thể là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần… cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng;
(ii) Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, trong các văn bằng bảo hộ được thể hiện tại phạm vi (yêu cầu) bảo hộ sáng chế;
(iii) Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong các tài liệu khác được thể hiện và phát hiện theo tài liệu mô tả hoặc dạng thể hiện thực tế của giải pháp kỹ thuật đó.

e) Kết luận về tính mới của giải pháp kỹ thuật
Tương ứng với một điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới nếu:
(i) Không tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng trong quá trình tra cứu thông tin; hoặc
(ii) Có tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng nhưng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu cơ bản không có mặt trong giải pháp kỹ thuật đối chứng (và dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu cơ bản khác biệt).

2.6 Đánh giá trình độ sáng tạo (theo quy định tại Điều 61 của Luật Sở hữu trí tuệ)

a) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
Khi đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó) quy định tại điểm 25.5.a của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

b) Đánh giá trình độ sáng tạo
Việc đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được thực hiện bằng cách đánh giá dấu hiệu (các dấu hiệu) cơ bản khác biệt nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ để đưa ra kết luận:
(i) Dấu hiệu (các dấu hiệu) cơ bản khác biệt có bị coi là đã được bộc lộ trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc hay không, và;
(ii) Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt có bị coi là có tính hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hay không.
Ứng với một điểm thuộc phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật được coi là có trình độ sáng tạo nếu việc đưa dấu hiệu cơ bản khác biệt vào tập hợp các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo và không phải là kết quả hiển nhiên của hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

c) Trong các trường hợp sau đây (nhưng không phải chỉ trong các trường hợp đó), ứng với một điểm thuộc phạm vi bảo hộ, giải pháp kỹ thuật bị coi là không có trình độ sáng tạo:
(i) Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt mang tính hiển nhiên (bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng biết rằng để thực hiện chức năng đã định hoặc để đạt được mục đích đã định tất yếu phải sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó và ngược lại khi sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó thì tất yếu phải đạt được mục đích hoặc thực hiện được chức năng tương ứng);
(ii) Tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt đã được bộc lộ dưới dạng đồng nhất hoặc tương đương trong một/một số giải pháp kỹ thuật nào đó đã biết trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc;
(iii) Giải pháp kỹ thuật là sự kết hợp đơn giản của các giải pháp kỹ thuật đã biết với chức năng, mục đích và hiệu quả cũng là sự kết hợp đơn giản chức năng, mục đích và hiệu quả của từng giải pháp kỹ thuật đã biết.

d) Trong điểm này:
(i) Hai dấu hiệu được coi là đồng nhất nếu có cùng bản chất;
(ii) Hai dấu hiệu được coi là tương đương nếu có bản chất tương tự nhau có cùng mục đích và cách thức đạt được mục đích cơ bản là giống nhau.

2.7 Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (theo quy định tại Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ)
Trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với những đơn đăng ký sáng chế đã được thẩm định nội dung và được kết luận là đáp ứng các điều kiện bảo hộ, theo các quy định sau đây:

a) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong các nguồn bắt buộc sau đây (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó):
Tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận (tính đến thời điểm kiểm tra) có cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm định – tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) mà chưa được công bố hoặc có ngày công bố muộn hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên);

b) Mục đích của việc tra cứu là để tìm ra (các) đơn đăng ký cùng một sáng chế và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất;

c) Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng một sáng chế thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ;

d) Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng một sáng chế cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và có cùng ngày ưu tiên hoặc có cùng ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo sự thoả thuận của tất cả người nộp đơn; nếu không thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

e) Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký cùng một sáng chế đã được nộp tại Việt Nam thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên được chấp nhận và đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam bị coi như rút bỏ.

2.8 Thông báo kết quả thẩm định nội dung
Việc thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế được tiến hành theo thủ tục chung quy định tại điểm 15.7. a của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

3. Cấp, đăng bạ, công bố Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích
Các thủ tục ra quyết định cấp, đăng bạ, công bố Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại điểm 18 và điểm 19 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

»  Hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế