Phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm. Khi muốn trình báo ai đó đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì bạn cần phải hiểu rõ đơn tố cáo là gì? Đây là kiến thức liên quan đến pháp luật chính vì thế cho nên, nếu không hiểu rõ hoặc mơ hồ về nó, chắc chắn bạn sẽ gặp bất lợi mà quyền lợi của bạn cũng sẽ không được đảm bảo.
Mục lục bài viết
Phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm
1. Khái niện tố cáo:
Hiểu tố cáo là gì? Nhất định bạn phải nắm rõ khái niệm thế nào là tố cáo:
Theo Điều 2 của Luật tố cáo có quy định về khái niệm tố cáo như sau:
“Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”
Dựa vào khái niệm trên đây, chúng ta có thể nắm rõ bản chất của tố cáo. Theo đó, tố cáo thực chất chính là việc chúng ta thể hiện mối quan hệ giữa công dân với Nhà Nước, trong đó, người thực hiện hành vi tố cáo sẽ báo cho những cơ quan tổ chức, các cá nhân có thẩm quyền pháp luật biết rõ về một hành vi vi phạm pháp luật của một tổ chức, cá nhân nào đó gây ra thiệt hại, hoặc mang tính đe dọa đến lợi ích của Nhà nước, đến quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người công dân.
Như vậy, bản chất của tố cáo sẽ được xem xét dựa vào nhiều khía cạnh khác nhau. Bao gồm:
Thứ nhất, đó chính là chủ thể tố cáo chỉ là một người công dân bình thường. Điều này có giá trị nhằm cá thể hóa đối với trách nhiệm đối với người tố cáo, nếu như họ cố tình tố cáo không đúng sự thật thì tùy vào các tính chất cũng như mức độ đến từ hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, khi đối tượng của tố cáo chính là những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ quan, tổ chức hoặc từ các cá nhân gây ra những thiệt hại, sự đe dọa đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của công dân, của tổ chức nào đó.
Trong luật tố cáo, có hai loại hành vi được coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị tố cáo đó chính là:
Hành vi trái pháp luật của người cán bộ, công nhân viên chức khi thực hiện nhiệm vụ
Hành vi trái pháp luật về việc quản lý nhà nước ở trong tất cả các lĩnh vực.
Thứ ba, những cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc tố cáo chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những người tố cáo có thể tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật lên cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Nếu như việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo nhưng lại gửi đơn đến cho các cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết sự việc tố cáo thì cơ quan đó sẽ phải chuyển đơn tố cáo lên những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Thứ tư, về trình tự và các thủ tục giải quyết việc tố cáo được quy định cụ thể như sau:
+ Tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo
+ Xác minh lại nội dung tố cáo
+ Kết luận nội dung tố cáo
+ Xử lý tố cáo
+ Công khai kết luận của nội dung tố cáo, đưa ra quyết định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ năm, kết quả tố cáo mang bản chất như sau:
Trong trường hợp cá nhân nào đó bị tố cáo là vi phạm pháp luật thì sẽ bị áp dụng những biện pháp xử lý dựa trên kiến nghị, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng như quy định mà pháp luật ban hành. Nếu như hành vi vi phạm pháp luật này có dấu hiệu phạm tội thì vụ việc sẽ được chuyển lên các cơ quan chức năng điều tra, hoặc đưa lên Viện kiểm sát để giải quyết việc tố cáo.
Trong trường hợp khác, nếu người bị tố cáo không vi phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải gửi tới cho họ thông báo văn bản về việc khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp. Đồng thời, cơ quan chức năng phải thực hiện việc xử lý người cố ý tố cáo không đúng sự thật.
– Các mối quan hệ pháp luật phát sinh trong quá trình tố cáo
Khi người công dân tố cáo một hành vi vi phạm pháp luật nào đó thì sẽ có những mối quan hệ pháp luật phát sinh bao gồm:
Người tố cáo:
Họ là những người công dân chủ động thực hiện quyền tố cáo của mình. Khi tố cáo, họ cần phải đảm bảo tuyệt đối về tính chất trung thực, chính xác của vụ việc được tố cáo. Đồng thời còn phải chịu trách nhiệm đối với những thông tin đã cung cấp trong đơn tố cáo là gì.
Khi người tố cáo cố tình thực hiện hành vi tố cáo sai sự thật thì có thể họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải gánh tội vu khống theo những quy định của pháp luật tại Điều 122 của Bộ luật Hình sự ban hành năm 1999.
Người bị tố cáo:
Các đối tượng bị tố cáo có thể là các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có hành vi tố cáo. Họ chính là những người được coi là đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật và đã gây ra những đe dọa, những sự thiệt hại nhất định nào đó tới lợi ích của Nhà Nước, đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hay của công dân khác.
Người giải quyết tố cáo:
Giải quyết tố cáo chính là các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các tố cáo từ người tố cáo dựa vào những hoạt động giải quyết tố cáo thiết thực, bao gồm: Tiếp nhận, xác minh, kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo.
– Những nội dung thường xuất hiện trong đơn tố cáo
Nếu như bạn đã hiểu được đơn tố cáo là gì thì sẽ không khó để biết được nội dung tố cáo sẽ thường là những nội dung gì. Trong cuộc sống, có ti tỉ những vấn đề mâu thuẫn có thể xảy ra và gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, công dân. Nếu như liệt kê ra thì có lẽ không giấy mực nào diễn tả hết.
Tố cáo việc làm vi phạm pháp luật của người cán bộ, công chức làm việc ở trong bộ máy nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
Tố cáo các sai phạm trong công tác điều hành, quản lý của cơ quan, bao gồm cơ quan quản lý hành chính nhà nước
Tố cáo các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của những cán bộ, công chức
Có rất nhiều sự việc có thể tố cáo. Tuy nhiên khi thực hiện quyền tố cáo, nếu không chú ý cẩn thận thì người tố cáo có thể sẽ gặp phải một vài rủi ro nhất định. Họ có thể bị đe dọa, bị hành hung, trả thù từ những đối tượng bị tố cáo. Chính vì vậy mà người công dân cần phải thực hiện cả quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức có thẩm quyền bảo vệ cho mình.
Ngoài ra, nếu thực hiện hành vi tố cáo góp phần xây dựng nên những điều tốt đẹp thì công dân còn được khuyến khích, được khen thưởng. Điều này đã được quy định tại Nghị định số 7/2012/NĐ – CP.
2. Phân biệt tố cáo và tố giác
Có rất nhiều người nhầm lẫn khái niệm tố cáo và tố giác vì có vẻ các phát âm của chúng tương tự nhau và giá trị của chúng cũng chẳng khác nhau nhiều. Thế nhưng, nếu bạn nhầm lẫn hai khái niệm này thì việc thực hiện quyền pháp luật của mình sẽ gặp phải những khó khăn, rắc rối nào đó không mong muốn và còn mang đến những khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết đơn tố cáo và đơn tố giác.
Giữa tố cáo và tố giác đương nhiên sẽ được phân biệt với nhau bởi những điểm khác nhau cơ bản nhất. Khi phân biệt rõ hai loại hành vi này từ người thực hiện quyền pháp luật thì sẽ giúp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể xác định được đúng bản chất vấn đề, từ đó có thể giải quyết thuận lợi công việc, mang đến sự hiệu quả và chính xác về kết quả và thủ tục.
2.1. Sự khác nhau về khái niệm tố cáo và tố giác
Khái niệm tố cáo và tố giác đã được định nghĩa rõ ràng ở trong các văn bản chuẩn mực được ban hành dưới sự phê duyệt của Nhà Nước. Theo đó, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu khái niệm và từ đó nhận diện chính xác thế nào là tố cáo và tố giác.
Về khái niệm tố cáo
Trong từ điển tiếng Việt có nêu rõ như sau: tố cáo là “báo cho mọi người hoặc cơ quan có thẩm quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó” , là “vạch trần hành động xấu xa, phạm pháp hay tội ác trước cơ quan có thẩm quyền hoặc trước dư luận”.
Không chỉ dựa vào từ điện, tại Bộ luật Tố cáo cũng chỉ rõ rằng: tố cáo là “việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điều 2, Luật Tố cáo 2018)
Về khái niệm tố giác
Cũng tương tự như tố cáo, khái niệm tố giác được định nghĩa cụ thể trong các văn bản quy phạm, gồm có:
Theo từ điển Tiếng Việt, tố giác được hiểu như sau: “Báo cho cơ quan chính quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó”.
Còn trong văn bản pháp luật, tại điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cho hay: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”. Khi thực hiện tố giác, báo tin về tội phạm thì người tố giác có thể thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
Nếu như cố ý tố giác hoặc báo tin sai sự thật thì tùy vào mức độ, tính chất vi phạm cá nhân đó sẽ bị xử lý, xử phạt về hành chính, nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những gì pháp luật đã quy định. Điều này được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 5 của Bộ luật tố tụng 2015.
Như vậy, thông qua các khái niệm có thể hiểu đơn giản về sự khác biệt giữa tố cáo và tố giác như sau:
Tố cáo là: hành vi vi phạm pháp luật không có sự phân biệt về mức độ và tính chất vi phạm, còn tố giác chỉ gồm hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm.
Tố giác là: việc tố cáo hành vi trái pháp luật.
Ở một khía cạnh khác, tố cáo chính là quyền của công dân; còn tố giác vừa là quyền lại vừa là nghĩa vụ của người công dân. Chỉ khi nào công dân thực hiện quyền tố cáo của mình thì mới phát sinh các quan hệ pháp luật, còn với tố giác, các mối quan hệ pháp luật sẽ phát sinh ngay khi người công dân đó biết về kẻ vi phạm.
2.2. Những điểm khác biệt về chủ thể của tố cáo và tố giác
Tố cáo có chủ thế là các cá nhân có tên tuổi và địa chỉ cụ thể, chi tiết trong khi chủ thể của tố giác là một cá nhân, mà cá nhân này cho rằng có một hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra hoặc có thể xảy ra và có dấu hiệu tội phạm. Vì không phải là nguồn tin chắc chắn cho nên việc tố giác chỉ được xem là một hình thức cung cấp thông tin, nêu ra những dấu hiệu, sự việc vi phạm pháp luật cho cơ quan xem xét và điều tra làm rõ.
2.3. Đối tượng của tố cáo khác tố giác như thế nào?
Tố cáo có đối tượng là các hành vi vi phạm pháp luật ở trong tất cả các lĩnh vực, các đối tượng đó không bị phân biệt về tính chất cũng như mức độ của sự vi phạm. Còn đối tượng của tố giác chỉ là những hành vi vi phạm có thể cấu thành tội phạm, chỉ mang dấu hiệu có thể vi phạm pháp luật và chưa được xác thực tại thời điểm tố giác.
Cuối cùng, thông qua bài viết này, hy vọng các bạn có thể hiểu được tố cáo là gì? Đơn tố cáo là gì? Từ đây bạn cần hiểu rõ rằng, quyền tố cáo của người công dân chính là cách chúng ta đang thể hiện quyền làm chủ của chính mình đối với việc quản lý và củng cố bộ máy nhà nước thêm vững chắc. Tố cáo đồng thời là cách để bạn có thể bảo vệ những quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho chính mình, cho những công dân khác và cho các cơ quan nhà nước.
» Hình thức tố cáo theo Luật Tố cáo 2018
» Tố cáo sai sự thật xử lý như thế nào?
Trên đây là khái niệm tố cáo, phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm.