Phân biệt chính sách Miễn trừ với chính sách Khoan hồng

Phân biệt chính sách Miễn trừ với chính sách Khoan hồng theo pháp luật cạnh tranh

Chính sách khoan hồng (CSKH) là một nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận trong Luật cạnh tranh 2018, nó được xem như công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm phá vỡ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (TTHCCT) bị cấm trên thị trường. Xong, cơ chế mới này có thể khiến một số bạn nhầm lẫn với chính sách miễn trừ trong pháp luật cạnh tranh. Vì vậy, mình đã viết ra bài viết dưới đây, mong sẽ hữu ích để giúp các bạn phân biệt rõ hai chính sách này.

– VỀ MỤC ĐÍCH

Đối với miễn trừ: Theo thông lệ quốc tế, các trường hợp miễn trừ được xây dựng dựa trên nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason), theo đó, nguyên tắc đánh giá tính bất hợp pháp của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên cơ sở cân nhắc giữa các tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là tác động thúc đẩy cạnh tranh và tác động hạn chế cạnh tranh hoặc giữa tác động hạn chế cạnh tranh với hiệu quả hay lợi ích kinh tế mà hành vi thỏa thuận mang lại. Xét về bản chất, khi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã cấu thành đủ các dấu hiệu để kết luận là vi phạm luật cạnh tranh, tuy nhiên, nếu lợi ích đối với nền kinh tế và người tiêu dùng mà thỏa thuận đó có thể mang lại cao hơn tác động hạn chế cạnh tranh thì thỏa thuận đó có thể được cơ quan cạnh tranh cho phép thực hiện. 

Hiện nay, tại Việt Nam theo quy định mới của LCT 2018, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm sẽ được miễn trừ có thời hạn nếu nó có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong bốn điều kiện sau đây: 
(1) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; 
(2) Tăng cường sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế; (3) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm; 
(4) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá. Như vậy, mục đích hướng tới khi xây dựng cơ chế miễn trừ cho các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh đó còn mang đến lợi ích cho người tiêu dùng.

Đối với chính sách khoan hồng: Trên một phương diện khác so với miễn trừ, CSKH được xây dựng nhằm thu hút tham gia khai báo, hợp tác của các thành viên trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, từ đó khiến cho những thỏa thuận bất chính được đưa ra ánh sáng và xử lý theo quy định. Điều này cho thấy CSKH và cơ chế miễn trừ được thiết kế với mục đích hoàn toàn khác biệt: một bên hỗ trợ công tác phát hiện và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm, một bên thúc đẩy lợi ích của kinh tế và quyền lợi cho người tiêu dùng.

– THỜI ĐIỂM ÁP DỤNG VÀ THỦ TỤC

Thủ tục miễn trừ và CSKH mang bản chất của thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Do vậy, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hưởng quyền miễn trừ hoặc hưởng quyền khoan hồng không mặc nhiên được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện do luật định về mặt nội dung mà bắt buộc phải nhận được quyết định chấp thuận của cơ quan quản lý cạnh tranh (CQQLCT).

Cụ thể, để được hưởng chính sách miễn trừ thì các thành viên dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm phải tiến hành nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ cho CQQLCT có thẩm quyền. Căn cứ trên hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, CQQLCT ra quyết định chấp thuận hoặc quyết định không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ. Theo đó, các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ chỉ được thực hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau khi có quyết định hưởng miễn trừ. Điều cho thấy chính sách miễn trừ bắt đầu xác lập trước khi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đưa vào hoạt động.

Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh muốn xin hưởng khoan hồng phải tiến hành liên hệ với CQQLCT để khai báo và xin được miễn, giảm mức phạt tiền theo CSKH. Qua đó, chúng ta thấy rằng CSKH lại đặt ra đối với những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được xây dựng và vận hành, khi mà có thành viên nào đó đứng ra khai báo về hoạt động bất chính của thỏa thuận.

– PHẠM VI LỢI ÍCH MÀ DOANH NGHIỆP NHÂN ĐƯỢC

Nếu như CSKH cho phép các DN khai báo được hưởng quyền giảm trừ, thậm chí có thể miễn trừ hoàn toàn hình phạt mà lẽ ra phải bị xử lý theo quy định thì ở khía cạnh khác, chính sách miễn trừ lại đưa đến cơ hội cho các DN có một khoảng thời hạn nhất định được hưởng miễn trừ việc áp dụng các chế tài, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho các DN có thể dành thời gian tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các DN khác là đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, thấy phần thưởng mà các bên trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhận được từ CSKH tồn tại dưới 02 mức độ khác nhau, có thể được giảm trừ hoặc miễn trừ hình phạt tùy thuộc vào điều kiện mà DN đó thỏa mãn. Mặt khác, CSKH không đặt ra thời hạn áp dụng, điều này được hiểu là nếu một DN nhận được quyết định cho hưởng CSKH thì đương nhiên nhận được quyền miễn/giảm trên cơ sở xem xét toàn bộ quá trình hoạt động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đó. Trong khi đó, các DN được hưởng chính sách miễn trừ sẽ thoát khỏi hoàn toàn hình phạt (tức miễn trừ hoàn toàn) và quyết định cho hưởng miễn trừ không có giá trị vĩnh viễn, chúng luôn có giá trị trong một thời hạn nhất định (trong quyết định cho hưởng miễn trừ luôn xác định thời hạn cho hiệu lực) hoặc có thể được xem xét lại và có thể bị bãi bỏ theo quy định của pháp luật.

theo thuvienphapluat vn

» Tư vấn pháp luật cạnh tranh

» Xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh