Phân biệt án kinh doanh thương mại và án dân sự? Ở mỗi vụ việc với mỗi lĩnh vực khác nhau thì lại có những văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh riêng, song đều giải quyết theo trình tự, thủ tục được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Để giải quyết tranh chấp trong dân sự thì các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh rằng yêu cầu của mình là có căn cứ, điều này áp dụng chung cho cả án dân sự và kinh doanh thương mại.
Xác định đúng một tranh chấp là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh thương mại là điều cần thiết quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Nếu xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp sẽ dẫn đến áp dụng sai pháp luật đối với vụ việc, gây ra những khó khăn không đáng có. Vì vậy, luật sư A+ mang đến cho độc giả chủ đề này với mong muốn giúp bạn đọc có thể phân biệt được hai loại tranh chấp này. Nếu muốn tìm hiểu chi tiết, hãy xem ngay bài viết sau.
Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý
-
Phân biệt án kinh doanh thương mại với án dân sự
- 1. Thế nào là tranh chấp thương mại?
- Trường hợp 1: Phát sinh tranh chấp giữa các chủ thể mà một bên hoặc các bên tham gia tranh chấp không có đăng ký kinh doanh nhưng đều vì mục đích lợi nhuận.
- Trường hợp 2: Tranh chấp trong đó có một bên không có mục đích lợi nhuận nhưng vẫn chọn Luật Thương mại để áp dụng.
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP;
- Luật thương mại 2005.
Phân biệt án kinh doanh thương mại với án dân sự
1. Thế nào là tranh chấp thương mại?
- Tranh chấp dân sự là các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ dân sự (quan hệ nhân thân hoặc quan hệ tài sản), được luật dân sự điều chỉnh.
- Tranh chấp kinh doanh thương mại là các tranh chấp phát sinh từ các hoạt động kinh doanh thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
Như vậy, theo Bộ luật Tố tụng dân sự, cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây thì một vụ tranh chấp mới được coi là tranh chấp về kinh doanh, thương mại:
- Phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại;
- Các bên tranh chấp là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh;
- Các bên đều có mục đích lợi nhuận.
Trong trường hợp các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa các doanh nghiệp, hoặJc giữa doanh nghiệp với cá nhân có đăng ký kinh doanh thì khá dễ dàng để xác định đây là tranh chấp kinh doanh, thương mại (trừ trường hợp được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành). Tuy nhiên, khó khăn được đặt ra trong các trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Phát sinh tranh chấp giữa các chủ thể mà một bên hoặc các bên tham gia tranh chấp không có đăng ký kinh doanh nhưng đều vì mục đích lợi nhuận.
Có đăng ký kinh doanh có thể được hiểu là tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/doanh nghiệp tư nhân (theo tinh thần khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các bên tham gia hoạt động kinh doanh thương mại mà không có những Giấy tờ này. Hiện nay tồn tại hai quan điểm là bắt buộc hoặc không bắt buộc phải có các giấy tờ trên (có đăng ký kinh doanh) để được coi một tranh chấp là về kinh doanh, thương mại
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp kinh doanh, thương mại chỉ phát sinh khi các bên có đăng ký kinh doanh. Một số các văn bản khác cũng nêu rõ điều kiện này, như tại Công văn số 212/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử ngày 13-9-2019 có hướng dẫn đối với trường hợp tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm, trong đó, mặc dù tranh chấp phát sinh giữa một bên là công ty bảo hiểm đã có đăng ký kinh doanh, hai bên ký kết hợp đồng đều có mục đích lợi nhuận nhưng vì người mua bảo hiểm không có đăng ký kinh doanh nên phải xác định đây là tranh chấp dân sự, cụ thể: “nếu người mua bảo hiểm có đăng ký kinh doanh thì tranh chấp đó là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Nếu người mua bảo hiểm không có đăng ký kinh doanh thì tranh chấp được xác định là tranh chấp về dân sự”.
Tuy nhiên, các quan điểm khác cho rằng việc có đăng ký kinh doanh, được cấp các loại giấy chứng nhận đăng ký không nhất thiết là điều kiện bắt buộc, mà chỉ cần có hoạt động kinh doanh, thương mại trên thực tế. Điều 7 Luật thương mại 2005 quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật”. Ngoài ra, cũng có thể căn cứ theo tinh thần của điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP, theo đó “Tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.
Trong thực tế, vẫn có những vụ việc tranh chấp với cá nhân không có đăng ký kinh doanh mà Tòa án vẫn xác định là tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Vậy nên, nếu là tổ chức, cá nhân không có hoặc chưa có đăng ký kinh doanh nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại và có mục đích lợi nhuận thì vẫn có khả năng tranh chấp xảy ra vẫn được xác định là tranh chấp kinh doanh, thương mại.
Lưu ý: Như đã nói ở phần đầu, mặc dù đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện của một tranh chấp kinh doanh thương mại, nhưng cũng còn cần căn cứ pháp luật chuyên ngành để xác định một tranh chấp có được xem là tranh chấp kinh doanh thương mại không. Ví dụ như việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến thù lao và chi phí của luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự (khoản 1 Điều 59 Luật Luật sư 2006) mà không được giải quyết theo pháp luật kinh doanh thương mại dù hai bên đáp ứng cả 3 điều kiện nói trên.
Trường hợp 2: Tranh chấp trong đó có một bên không có mục đích lợi nhuận nhưng vẫn chọn Luật Thương mại để áp dụng.
Tương tự với trường hợp không có đăng ký kinh doanh, việc không có mục đích lợi nhuận sẽ không làm phát sinh tranh chấp kinh doanh, thương mại theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005 cũng quy định Luật này vẫn điều chỉnh “hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này”. Ngoài ra, nguyên tắc của pháp luật dân sự là tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật. Vậy nên chúng tôi nhận định rằng trong trường hợp này, các quy định của Luật thương mại vẫn có thể dùng để điều chỉnh các tranh chấp phát sinh.